“Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận”
Nhân dân trong các tỉnh lân cận Khánh Hòa
thường truyền tụng: “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận” và trong tỉnh Khánh Hòa lại
còn có câu: “Cọp Ổ Gà, Ma Đồng Cháy” như thế chứng tỏ rằng Khánh Hòa có nhiều cọp
cũng có nhiều ma, song ma không nhiều bằng cọp. Còn vùng Phước Hải xưa kia là một
rừng mai vàng. Khi rừng mai còn rậm, cọp ở núi Huỳnh Ngưu tức Đồng Bò, thường
xuống tìm mồi.
Chắc các bạn từ 60 tuổi
trở xuống không tin vì hiện tượng ma không thấy đã đành mà cọp cũng không thấy
đâu cả.
Không thấy không phải
là không có. Muốn rõ sự thật xin các bạn thử đi một mình vào rừng sâu, bạn sẽ
thấy cọp đông như “chợ trời” và ma nhiều như các ông các bà buôn lậu. Mà chả cần
đi đâu cho xa, các bạn chỉ đọc kỹ những văn thơ của Khánh Hòa, các bạn cũng sẽ
nhận thấy câu “cọp Khánh Hòa...” và câu “Cọp Ổ Gà, ma Đồng Cháy” là đúng sự thật,
mà không phải chỉ Ổ Gà mới có cọp, Đồng Cháy mới có ma. Cọp và ma ở ngay tại
Nha Trang:
“Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt
Phước Hải xuân về cọp thưởng mai.”
Đó là câu thơ của cụ
Thuần Phu Trần Khắc Thành ở khóm Duy Hà, phường Xương Huân.
Tại Mả Vòng xưa kia
có một ngôi mả vôi to lớn hình tròn nằm choán cả lối đi, khách bộ hành đi ngang
qua đó đều phải đi vòng qua mộ - nên mới gọi đó là Mả Vòng. Truyền rằng nơi Mả
Vòng có rất nhiều ma. Đến lúc hoàng hôn ma thường hiện ra ngồi bên mả, đợi người
đi qua thì “hớp hồn”. Do đó mà kẻ dừng lại phải cố gắng làm sao để qua khỏi Mả
Vòng lúc mặt trời chưa lặn.
Sau khi Pháp đặt nền
cai trị lên đất Khánh Hòa liền mở rộng con đường Diên Khánh - Nha Trang và dời
mả ấy đi nơi khác. Tuy mả đã dời nhưng người đi đường vẫn còn sợ và ít người
dám cất nhà ở chung quanh vùng này. Mãi đến năm 1930-1945 mới có phố xá nơi Mả
Vòng.
Còn vùng Phước Hải
xưa kia là một rừng mai vàng - mỗi bận xuân về mai nở
trùm cả trăm mẫu đất. Từ khi Pháp chiếm Khánh Hòa rừng mai Phước Hải bị dân đốn
làm củi ngày càng ít đi. Đến thời hậu chiến (1945-1975) rừng mai bị phá chỉ còn
năm mười gốc cằn cỗi. Khi rừng mai còn rậm, cọp ở núi Huỳnh Ngưu tức Đồng Bò,
thường xuống tìm mồi...
Hai câu thơ trên mượn
cảnh thực để ngụ ý châm biếm nhân vật Nha Trang thời Pháp thuộc.
Còn một câu nữa cũng
cho chúng ta thấy cọp Khánh Hòa ẩn núp trong rừng thơ:
“Đại Lãnh văn viên cô nguyệt hạ
Nha Trang xạ hổ loạn vân gian.”
Nghĩa
là:
Lắng
vượn trăng mờ đêm Đại lãnh
Bắn
hùm mây rối núi Nha Trang.
Đó cũng là cảnh thực
để gởi tâm sự. Tác giả là Nguyễn Tư Giản làm quan dưới triều Tự Đức (1828-1883).
Hai câu đó là cặp luận bài tặng biệt cụ Nguyễn Thông.
Cụ Nguyễn Thông là một
chí sỹ, đậu cử nhân, quán ở Gia Định. Khi miền Nam bị Pháp chiếm trọn 6 tỉnh
(1867) cụ không chịu “đội trời chung cùng giặc” bèn đưa gia đình ra cư trú tại
Bình Thuận, mở trường dạy học. Triều đình Huế biết cụ là một nhân tài bèn mời cụ
ra làm quan. Ban đầu cụ làm Dinh điền sứ, lo việc khai khẩn đất hoang, sau ngồi
Án sát tỉnh Khánh Hòa. Cụ hiểu rộng thấy xa, có tư tưởng tiến bộ, nhiều khi
trái ý triều đình. Cho nên khi đương ngồi Án sát Khánh Hòa thì bị triệu hồi về
Huế khiển trách. Về Huế cụ lấy cớ già yếu xin về Bình Thuận làm ruộng. Triều thần
là Nguyễn Tư Giản biết rõ khí tiết và tâm sự cụ, nên có bài tặng biệt “Đại
lãnh... Nha Trang”.
Chỉ xin đưa hai cặp
có liên quan đến “ma” và “cọp” để mua vui cùng bạn đọc. Và để cho thêm vui xin
hiến các bạn mấy câu thơ về Nha Trang thời tiền chiến.
“Nha Trang có cọp có ma
Có đầm én có rừng hoa mai vàng.”
Hoa Mai Tết Bình Định