Người Việt thường lẫn lộn trong việc đặt tên hoa. Chẳng hạn, cùng tên Mai nhưng những hoa này lại thuộc nhiều tộc họ thực vật không có liên hệ bà con gì cả.
Như gốc cây Mai đại thụ ở
địa danh Chùa Cây Mai (Sài Gòn) có tên mỹ miều trong thơ văn là “Bạch Mai”, tên
dân dả “Mai Mù u”, có tên khoa học Ochrocarpus
siamensis var. odoratissimus Pierre,
thuộc họ Bứa Guttiferae. “Mai Chấn Thủy”
thường làm cây kiểng, tiểu cảnh (bonsai) là Wrightia religiosa (Teisjm. Binn)
Hook. f. thuộc họ Apocynaceae.
Ở bài này, tôi chỉ đề
cập đến Hoa Mai Vàng (Huỳnh Mai, Hoàng Mai) mà người dân Miền Nam, từ Huế cho tới
Cà Mau, đều có chưng một vài cành trong dịp Tết Nguyên Đán. Tên khoa học của
Hoa Mai Vàng Ngày Tết này là Ochna
integerrima (Lour.) Merr. (cũng có tên Elaeocarpus
integerrima Lour., và Ochna harmandii
Lec., tên Trung Hoa 金莲木) thuộc họ Ochnaceae.
Mai Ochna ở Việt Nam
Theo GS Phạm Hoàng Hộ,
họ Ochnaceae tại Việt Nam có hai loài Mai Ochna:
Mai tứ quý, còn gọi
là Mai Đỏ, trước đây mang nhiều tên như Ochna
atropurpurea DC., Ochna multiflora,
Ochna serratifolia, hiện nay các nhà
khoa học cùng chấp nhận tên Ochna
serrulata (Hoshst.) Walp. Loài Mai này có nguồn gốc phía đông Mủi Hảo Vọng
(Cape of Good Hope), thuộc Nam Phi. Hoa cũng màu vàng, cành ít hoa hơn, và ra
bông lẻ tẻ suốt năm. Mai này thường trồng trong sân trước nhà, trong chậu để
làm cây cảnh, nhưng không cắt nhánh để chưng trên bàn như loài Mai Vàng. Mai tứ
quý chịu lạnh giỏi, vì có nguồn gốc xứ lạnh, ở vĩ độ 32º Nam Bán cầu, nơi có
nhiệt độ trung bình 7 °C trong mùa lạnh, nên được ưa chuộng ở Bắc Mỹ nơi có khí
hậu ôn hòa trong mùa đông (trên 10°C). Trung quốc và Việt Nam du nhập giống này
từ lâu đời. Tại miền Bắc Việt Nam, đa số mai Ochna là mai tứ quý.
Mai Vàng (hoàng mai –
thường gọi là huỳnh mai vì cử húy tên chúa Nguyễn Hoàng, Champax) tức Ochna
integerrima, là loài mai bản địa, mọc hoang trong rừng còi từ Quảng Trị vào
Nam, có hoa từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, tùy nơi. Đây chính là Mai Vàng
Ngày Tết ở Miền Nam. Tôi đã cố công tìm kiếm trên mạng, cũng như trong các sách
thực vật học vùng Đông Dương và Đông Nam Á để tìm nguồn gốc chữ Champax, thì thấy có tên này, nhưng
không nói đó là ngôn ngữ nước nào. Phải chăng Champax và Champa (nước Chiêm
Thành) có liên hệ với nhau? Bởi vì lảnh thổ hoa Mai Vàng cũng chính là lảnh thổ
của Chiêm Thành ngày xưa.
Mai Vàng ngày Tết Ochna integerrima phân bố địa lý từ vùng
Đông Bắc Ấn Độ, Andamans, Nicobars (giữa
vĩ tuyến 6º và 14º N), Bangladesh, Burma, Bán đảo Mã Lai, đến Đông Dương, từ
xích đạo cho tới Khammouan (vĩ độ 17.4 ºN) thuộc Lào, Đảo Hải Nam (vĩ tuyến 20
º N), và Tây Nam Quảng Đông (khoảng vĩ tuyến 24 º N) gần vùng biên giới Việt
Nam và Trung Quốc, nơi có nhiệt độ mùa đông trung bình 10ºC. Tại vùng cực bắc
này, hoa Mai Vàng bắt đầu nở vào tháng 3 và 4 dl, nở rộ từ tháng 4 đến tháng 6
dl.
Tại Việt Nam, Mai Vàng
thấy mọc hoang ở rừng núi Côn Đảo (vĩ tuyến 8º 02’ N, là đảo cực nam của Việt
Nam), tập trung nhiều nhất từ vùng rừng núi ở Miền Đông, Miền Trung, Cao Nguyên
cho tới Quảng Trị, từ mực nước biển cho tới cao độ 700 m. Trên vĩ tuyến 17 ºN,
cũng thấy Mai Vàng mọc rải rác ở vùng Quảng Bình (Bến Én), Đèo Ngang (Hà Tỉnh),
Nghệ An (Nghĩa Đàn), Ninh Bình (Tam Đảo), đảo Bái Tử Long (vỉ độ 20.70 ºN, Quảng
Ninh). Cũng tại Quảng Ninh có giống Mai Vàng ở núi Yên Tử, chịu được lạnh, và
hoa có mùi thơm. Hà Nội ở vĩ độ 20°53' - 21°23N, có nhiệt độ trung bình mùa
đông là 15.2°C, có khi sụt xuống 2.7°C (tháng 1/1955). Ngược lại, Vịnh Hạ Long
cũng có cùng vĩ độ (20°45'-20°50' N), nhưng nhờ ảnh hưởng của biển, nhiệt độ
trung bình mùa đông ấm hơn (16-18°C), và ít khi xuống dưới 12°C. Truyền thuyết
cho rằng giống Mai Yên Tử này là con cháu của gốc Mai Vàng do vua Trần Nhân
Tông trồng trên núi Yên Tử khi nhà vua đi tu (từ năm 1285 đến 1288).
Như vậy, trong lãnh
thổ Việt Nam, Mai Vàng là giống bản địa mọc tự nhiên từ Nam chí Bắc, và giới hạn
phân bố cực bắc của giống này ở khoảng vỉ độ 24 ºN trong lảnh thổ Trung quốc. Tại
vĩ độ này, như Tiandong Xian (vĩ độ 23 º.60’N, cao độ 60 m) có nhiệt độ trung
bình mùa đông khoảng 10-12°C.
Mai Vàng Ochna integerrima được mô tả là loại cây
lá rụng theo mùa (deciduous) trong rừng lá rụng ở Đông Nam Á. Lá mai rụng trong
mùa đông, sau đó ra hoa trong mùa Xuân, từ tháng 1 đến tháng 4 dl. Tuy nhiên tại
Việt Nam, giống Mai Vàng có lá xanh quanh năm (evergreen), ngoại trừ giống mai vàng
Trại Thủy ở Nha Trang (nơi có tượng Phật trên đỉnh núi khi vào thành phố) lá rụng
vào mùa đông trước khi ra hoa rực rở vào dịp Tết ta. Mai-vàng chịu khô hạn và
cháy rừng rất giỏi, không chịu úng nước. Sau cháy rừng, thân cây phần trên bị
chết, nhưng phần gốc vẫn sống, đâm chồi mạnh, cho nhiều hoa trái hơn để bảo tồn
nòi giống. Chim ăn trái chín và nhờ vậy cây Mai được phân tán rộng rải. Mai là
giống vùng nhiệt đới, không chịu lạnh được nhiều, nhưng giống Mai Yên Tử ở Miền
Bắc (Quảng Ninh) chịu lạnh rất giỏi. Mai Yên tử nở hoa sau Tết Nguyên Đán,
thông thường từ giữa tháng Giêng đến tháng 3 Âm Lịch. Các Việt kiều ở Mỹ nên
tìm trồng giống Mai Vàng này.
Vì Việt Nam trải dài
từ vĩ tuyến 8º 02' đến 23º 23' N, có nhiều loại khí hậu và tiểu khí hậu khác
nhau, nên không ngạc nhiên là có rất nhiều giống Mai Vàng, có nhiều đặc tính
khác nhau, khác biệt về màu sắc, số cánh hoa, chịu đựng hạn hay lạnh khác nhau.
Nhờ chim ăn trái và phát tán rộng rải, rồi qua hàng ngàn năm được thiên nhiên
tuyển chọn, rồi do con người tuyển chọn (như hoa mai vàng Yên tử do các nhà sư
tuyển chọn trong hơn 700 năm) để thích ứng cho mỗi môi trường địa phương, nên
có lẻ giống mai vàng ngày tết rất đa dạng. Ông Quách Giao (Tập san Hoa cảnh) đã
mô tả rất chi tiết hàng trăm giống Mai Vàng ở mỗi địa phương từ nam chí bắc, từ
hoa 5 cánh thông thường tới hàng trăm cánh hoa, ngoài màu vàng, trắng, hồng, đỏ
lại có giông mai cánh màu đen đen (Hoa Mai Bình Giả).
Vùng Khánh Hòa đến
Phan Thiết có lẽ là vùng đa dạng nhất ở Việt Nam về hoa mai vàng, từ loài mai
biển ngoài hải đảo (khoảng 200 đảo thuộc khánh Hòa, như Khải Lương, Đầm Môn, Vạn
Ninh, Hòn Tre, Thủy Triều, Cam Ranh), đến mai vùng bãi cát, rồi mai rừng còi,
cho tới mai núi, từ thung lũng thấp tới độ cao trên 400 m, đa dạng về màu sắc,
số cánh hoa, về hương thơm. Vì vậy, không ngạc nhiên trước đây dinh Độc Lập,
cũng như nhiều công thự khác ở Sài Gòn, đều có chưng cây Mai Vàng chở từ rừng
núi Cam Lâm (Khánh Hòa).
Theo ông Quách Giao,
trong lãnh thổ từ Bình Thuận đến Khánh Hòa có những giống mai vàng quý như Mai
Vïnh Hảo ở vùng núi Vïnh Hảo (Phan Thiết), thân cây nặng gấp rưỡi mai thường,
nên gọi là “mai đá”, gỗ thật cứng, hoa to cánh phẳng, từ 12 đến 16 cánh màu
vàng rất đẹp và lâu tàn. Mai Cà Ná, Bình Châu, hoa 5 cánh màu vàng nhạt, mọc
hoang ở những khu rừng từ Đồng Bò (Nha Trang) chạy vào tới Cà Ná, Bình Châu.
Nha Trang có giống Hoàng Mai Tám Cánh đặc thù của núi Hoàng Mai Sơn (núi Trại
Thủy), giống này lá rụng trụi lủi vào mùa đông và ra hoa rực vàng cả núi đồi vào
dịp Tết. “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận). Cách đây 70 năm, Phước Hải của thành
phố Nha Trang là một rừng mai chạy dài từ biển tới núi Đồng Bò:
Mã Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt
Phước Hải Xuân về cọp thưởng mai
(Thơ
Thuần Phong Trần Khắc Thành)
Đa số các giống Mai Vàng
trổ hoa vào dịp Tết ta, nhưng có một giống Mai Vàng ở đảo Hòn Đỏ Nha Trang nở
hòa vào giữa tháng 4 âm lịch, vào mùa Phật Đản.