Thị trường tết là mùa làm ăn của các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh ở miền Tây. Nhưng năm nay, các nhà vườn chỉ trồng cầm chừng, giảm số lượng vì lo ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sức mua sẽ giảm.

Do đó, các nhà vườn vừa lo vụ hoa tết, vừa tìm cách chuyển hướng trồng các loại cây vừa để chưng tết vừa có thể bán dần cả năm.

"Không chỉ có vụ hoa tết, nông dân còn trồng theo từng dịp lễ, theo mùa như hoa mùa hè, hoa dịp Noel, Tết Tây. Ngoài ra, phân khúc khách hàng cây chưng trong văn phòng, chung cư cũng rất lớn, nhà vườn cũng đang tập trung trồng. Ông Nguyễn Văn Năm (giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp)

Tự đánh giá thị trường, giảm một nửa

Cuối tháng 12-2020, dạo quanh một vòng làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), không khí làm hoa tết vẫn còn trầm lắng. Phần vì những cơn mưa do ảnh hưởng của bão số 14, phần vì nhiều nhà vườn không mặn mà với hoa tết, chuyển hướng sang trồng cây giống và các loại kiểng công trình.

Đang xếp những bầu cây giống lên xe ba gác để bán cho khách, ông Nguyễn Văn Sang (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) cho biết 10 năm qua, cứ cách tết hơn 2 tháng là gia đình ông tập trung chuẩn bị mùa hoa tết, trong đó 2 loại chủ lực là cúc mâm xôi và vạn thọ với hơn 10.000 giỏ.

"Nhưng năm nay chúng tôi chỉ làm cây giống, tết thì mua vài chục chậu về chưng chứ không dám đầu tư trồng hoa nữa. Phần sợ sức mua giảm, phần sợ gần tết nước mặn xâm nhập, không có nước tưới" - ông Sang giải thích.

Dọc theo quốc lộ 57 thuộc huyện Chợ Lách, rất nhiều nhà vườn cho biết hoặc không trồng hoa tết nữa hoặc chỉ làm cầm chừng. Có nhiều hộ chỉ trồng một nửa so với năm rồi như trường hợp chị Cao Thị Kim Yến (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) chỉ trồng 400 giỏ hoa mào gà, giảm đúng một nửa so với mùa tết năm trước.

"Năm nay hầu như gia đình nào cũng sợ trồng nhiều không ai mua vì kinh tế bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chỉ trồng cầm chừng, thậm chí nhiều nhà vườn họ không trồng" - chị Yến cho biết.

Ông Bùi Thanh Liêm - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách - cho biết thời gian này là giai đoạn nhà vườn bắt đầu trồng hoa tết. Tuy các loại mai vàng và kiểng vẫn giữ nguyên số lượng như những năm trước với khoảng 7 triệu sản phẩm nhưng các loại hoa giỏ có giảm đáng kể, ước tính chỉ còn lại khoảng 2 triệu giỏ, so với mức 2,8 triệu giỏ những năm trước.

Không chỉ riêng tại Chợ Lách, các vùng chuyên canh trồng hoa khác ở Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp... nhà vườn chọn phương án an toàn là trồng rất ít các loại hoa đặc thù chỉ cho dịp tết, chuyển qua trồng các loại cây có thể bán quanh năm.

Ông Đoàn Hữu Bốn - giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Bình An ở quận Bình Thủy, Cần Thơ - nhẩm tính 17 thành viên của hợp tác xã chỉ có tổng hơn 51.000 chậu hoa kiểng (mỗi người trồng 2.500 - 3.000 chậu hoa) chưng tết các loại như: cúc mâm xôi, cúc pha lê, cúc Đài Loan, cát tường, vạn thọ..., giảm 30 - 50% so với cùng kỳ mọi năm.

Chủng loại đa dạng, giá không tăng

Ông Trần Văn Tiếp - chủ nhiệm hội quán Tôi Yêu Màu Tím (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) - cho biết đã họp thành viên hội quán và có định hướng sản xuất phù hợp từ sớm.

"Nhìn trên vườn, người trồng hoa có bao nhiêu đất đều tận dụng trồng hết, nhưng chủng loại thì có sự xoay chuyển giảm sản lượng hoa tết truyền thống, chuyển dần sang các chủng loại hoa có thể vừa chưng tết vừa dưỡng đến bán mùa tiếp theo.

Cụ thể giảm khoảng 50% hoa tết truyền thống nhưng tăng 60 - 70% các giống hoa kiểng công trình có thể chưng tết như bông trang, hồng phụng, hỏa châu" - ông Tiếp cho biết.

Theo thống kê, 20 thành viên hội quán này trồng khoảng 500.000 giỏ hoa với giá không tăng so với các năm. Tương tự, theo nhiều nhà vườn, giá hoa tết năm nay dự kiến không tăng so với các năm và có sự đa dạng về mức giá phù hợp với từng phân khúc khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - trưởng Phòng kinh tế TP Sa Đéc - cho biết Tết 2021, người trồng hoa ở đây cung ứng 2,5 - 3 triệu giỏ hoa tết, cũng tương đương mọi năm. Tuy nhiên, UBND TP khuyến khích nhà vườn chuyển sang các loại hoa kiểng dùng quanh năm, không quá tập trung vào chủng loại hoa tết.

Theo Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp, Tết Tân Sửu 2021 có một số loại hoa mới trung tâm chuyển giao cho nhà vườn trồng dịp tết như nhân hoa, cúc họa mi, dạ yến thảo kép, một số loại cúc mới. Bên cạnh một số loại giống chủ lực như đồng tiền, lan ý, hoa chuông, cúc.

Ông Nguyễn Văn Năm - giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp - cho biết theo định hướng sắp tới của UBND TP là trồng hoa quanh năm phục vụ nhu cầu du lịch, trung tâm cũng có những giống hoa đáp ứng nhu cầu trồng chậu nhỏ, dễ mang đi và nở lâu.

Một số giống hồng được nhân bằng hình thức nuôi cấy mô trung tâm đã chuyển giao cho nhà vườn năm nay và sẽ chuyển giao số lượng lớn vào năm sau. Đây là lần đầu tiên trung tâm sản xuất hoa hồng cấy mô thay thế phương pháp truyền thống là giâm cành và giá dự kiến sẽ thấp hơn.

Mai vàng cũng trầm lắng

Ông Lê Văn Việt (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết năm rồi, cỡ này là cả khu mai vàng Đông Phú "vui như hội, xe tải họ chạy vô rần rần, người bứng mai, người nói cười hỏi mai rôm rả... Còn năm nay tôi thấy trầm lắng quá".

Năm nay, ông Việt chuẩn bị hơn 100 chậu mai vàng (đủ cỡ) dự tính bán lai rai đến ngày 30 tết sẽ hết. "Hiện có một vài người bán mai vàng gần hết vườn. Còn tôi bán theo đơn đặt hàng trên mạng, tôi mới bán được hơn 10 chậu mai vàng. Giá bán thì tôi thấy giảm 20% so với mọi năm. Hồi trước cây mai 1 triệu đồng thì giờ tôi bán 800.000 đồng" - ông Việt chia sẻ.

Ông Lê Văn Ky - giám đốc Hợp tác xã Mai Vàng Đông Phú, huyện Châu Thành - thông tin năm nay với hơn 60 thành viên trong hợp tác xã dự kiến tung ra thị trường tết khoảng 20.000 chậu mai vàng. "Với dịch bệnh COVID-19, tôi không nói trước được gì. Trước mắt có thương lái đến nhà vườn mua lai rai rồi, họ bứng đi cũng cả hơn 1.000 chậu. Giá bán có mềm hơn mọi năm một chút, tầm từ vài trăm đến vài chục triệu đồng" - ông Ky nói về tình hình mua bán hiện tại.

Đà Lạt: Đơn hàng chỉ mới được 1/3

Chỉ còn khoảng một tháng nữa, những chuyến hàng hoa tết phải rời Đà Lạt đi các tỉnh dịp tết. Tuy nhiên, đa số các nhà vườn chưa nhận được đặt cọc mua hoa từ các chủ vựa hoa tại TP.HCM và các tỉnh. Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã sắp xếp công tác hậu cần để có thể chuyển lượng lớn hoa về TP.HCM cận tết. Các kế hoạch đã chuẩn bị nhưng đơn hàng vẫn đang trong trạng thái nhỏ giọt.

Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhận định lượng đơn hàng hiện nay chỉ đạt khoảng 35% so với cùng thời điểm các năm trước. "Việc đặt cọc và ghi nhận hợp đồng là động tác tối thiểu để hai bên chủ động điều phối sản xuất hoa tránh dư thừa nhưng đến thời điểm này mọi thứ diễn ra quá chậm chạp, lặng lẽ

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận tổng diện tích hoa vụ tết năm nay giảm khoảng 20% so với năm ngoái (tương đương với 1.200ha).

"Mặc dù đã giảm diện tích nhưng nông dân lẫn thương lái đều lo nơm nớp sẽ dội chợ. Không có những dấu hiệu cho thấy hoa vụ tết năm nay sẽ được tranh mua, tranh bán như mọi năm. Các đầu mối hoa lớn tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội không mạnh dạn chốt đơn đặt hàng và xuống cọc tiền như các năm trước.

Khi chúng tôi có ý hối thúc để có thể có kế hoạch thu mua, vận chuyển thì các đơn vị phân phối trả lời nước đôi, kiểu 'cứ để cận tết hãy tính, tới đâu tính tới đó'" - ông Nguyễn Thành Công, một thương lái chuyên ngành hoa tại Đà Lạt, cho biết.

Ngoài việc thiếu vắng các đơn đặt hàng, vùng hoa Đà Lạt còn đối mặt với việc hoa nở thất thường. Theo Phòng kinh tế UBND TP Đà Lạt, hoa địa lan - một loài hoa bán tết nổi tiếng và đắt tiền của Đà Lạt - đã bung nở không chờ tết. Ghi nhận có đến 80% diện tích địa lan Đà Lạt đã bung nở, tương ứng với khoảng 20ha.

Hà Nội: hoa được giá, thương lái phải "cầu cạnh" chủ vườn

Những ngày cuối năm 2020, giá nhiều loại hoa tại khu vực Hà Nội bất ngờ tăng cao, người dân trồng hoa phấn khởi đón Tết dương lịch. Ông Sánh - nông dân ở làng hoa Yên Nội (quận Bắc Từ Liêm) - cho biết ở thời điểm hiện tại, hoa cúc đang được giá, 1 đóa hoa (50 bông) bán được khoảng 200.000 đồng (mọi năm chỉ 100.000 - 150.000 đồng).

Ông dự đoán giá tốt một phần vì ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt, một phần do nguồn cung hoa thiếu hụt so với mọi năm; thêm nữa là người dân mua hoa nhiều hơn để thư giãn, giảm bớt căng thẳng do dịch COVID-19. Do đó người trồng hoa như ông không phải suy nghĩ đến chuyện bán cho ai vì thương lái đang thiếu hàng, thậm chí có thương lái còn phải "cầu cạnh" nhà vườn.

Chị Hoa - một đầu mối thu mua hoa tại làng Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, một trong những làng hoa lớn nhất Hà Nội - xác nhận so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá hoa khá cao, riêng giá một bó hoa lan tím là 200.000 đồng, giá hoa hồng nhập về là 80.000 đồng/50 bông. Giá này theo chị cao hơn năm ngoái 10 - 15%. Chị Hoa nhận định giá hoa sắp tới còn cao nữa do nguồn cung khan hiếm hơn mọi năm.

Làng hoa quanh Sài Gòn cũng ngán COVID-19

Những ngày này, dọc cánh đồng hoa Lê Thị Riêng (Q.12), làng hoa Gò Vấp (Q.Gò Vấp) ở TP.HCM... tình hình trồng trọt ít hơn hẳn mọi năm. Vừa bón phân những cây hoa cúc trồng 2 tháng tuổi, ông Trần Trung Trực (P.Thới An, Q.12) dự báo lượng hoa trồng dịp tết tại khu vực này chỉ bằng 40% năm ngoái. Theo ông, ngoài việc quỹ đất eo hẹp dần, mối lo ngại dịch COVID-19 làm nhu cầu tiêu thụ hoa năm nay giảm nên nhiều nông dân cũng hạn chế xuống giống.

Còn ông Hồng - chủ vườn hoa tại Q.Gò Vấp - cho biết năm nay nhiều nông dân hạn chế trồng loại hoa có giá trị cao, đặc biệt cúc đại đóa loại lớn giá tiền triệu hầu như vắng bóng, thay vào đó trồng loại nhỏ hơn, có giá bán vài chục đến vài trăm ngàn như mào gà, cúc nhỏ, hướng dương... để dễ tiêu thụ.

Chưa kể năm nay tiết trời mưa nhiều khiến phần lớn cây hoa lớn chậm, nhà vườn buộc phải đầu tư lưới che, phun thuốc liên tục để kích cây phát triển. Tuy vậy, một số cây có dấu hiệu úng, thúi do mưa nên lượng bán tết dự kiến không nhiều như các năm.

Theo ông Thảo - một nông dân trồng hoa ở Q.Gò Vấp, nhiều nhà vườn còn nghe thông tin do ảnh hưởng dịch bệnh, năm nay TP sẽ giảm quy mô tổ chức hội hoa xuân nên khá lo lắng, thậm chí không dám trồng hoa.

Trong khi đó hoa mai thường được trồng trong nhiều năm nên năm nay số lượng mai được nhiều nhà vườn tại TP.HCM cho biết "không giảm nhiều so với năm ngoái". Tuy vậy, nhiều nhà vườn xác định sẽ khó bán hơn mọi năm do kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng COVID-19, giá bán vì thế sẽ ổn định, thậm chí một số vườn quyết định chỉ đem những cây đẹp ra bán tết, còn lại để chờ... tết năm tới.

Ông Đinh Minh Hiệp - giám đốc Sở NN&PTNT - cho rằng có thực tế nông dân chịu tâm lý "sợ" dịch COVID-19 nên giảm quy mô sản xuất hoa. Tuy nhiên, là đơn vị phụ trách việc hỗ trợ, điều phối, chuẩn bị sản xuất nên sở sẽ có phương án đảm bảo lượng hoa tết.

Về hội hoa xuân, điểm bán hoa tết, ông Hiệp cho biết tới thời điểm này kế hoạch và quy mô tổ chức dự kiến khả năng vẫn không khác nhiều so với năm ngoái nhằm đảm bảo nhu cầu mua bán của nông dân và khách hàng. Tuy nhiên, vẫn có các phương án dự phòng nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.