Vespa không chỉ là phương tiện, mà còn là lối sống. Ít ai biết rằng chiếc Vespa sang trọng và kinh điển lại xuất phát từ tro tàn nước Ý sau Thế chiến thứ 2.

Nội dung nổi bật:

Bối cảnh: Thất bại sau Thế chiến thứ 2, cả nước Ý ngập chìm trong đau thương và mất mát, không chỉ về tinh thần mà cả về kinh tế.

Kế hoạch: Là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Piaggio quy tụ những kỹ sư ưu tú nhất nước Ý để giúp người dân có một giải pháp di chuyển phù hợp.

Kết quả: Vespa không chỉ là một thành công đơn thuần mà còn là một biểu tượng "tái sinh" của nước Ý, một bài học quý giá cho các nhà quản lý ngày nay.


Tro tàn chiến tranh

Vào năm 1943, sau khi đầu hàng Đồng minh và "trở mặt" với phe Phát xít, nước Ý nhanh chóng bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, khiến lãnh thổ chìm sâu trong chiến tranh.

Liên tiếp 2 năm sau đó, bán đảo Ý trở thành một chiến trường đầy mất mát và đau thương. Không chỉ thế, rất nhiều cơ sở hạ tầng dù không liên quan trực tiếp đến chiến tranh cũng bị "đánh bom" tan tành, và cả nước Ý phải chịu một khoản nợ cực lớn vì là bên "thua cuộc".

Đến năm 1946, trong khi cả thế giới đã quên đi cuộc chiến đẫm máu và quay lại "chạy đua" kinh tế, nước Ý dường như không thể nào vực dậy.

Đặc biệt là ngành ô tô, trong thời kỳ chiến tranh, tất cả dây chuyền sản xuất đã bị "điều động" sang phục vụ cho quân đội. Nhưng khi các nước "thắng cuộc" nhanh chóng sử dụng nguồn vốn mới để chuyển đổi về mục đích thương mại, nước Ý lại hoàn toàn không tìm ra cách để "quay đầu" với tình trạng khủng hoảng nặng nề.

 

Người doanh nhân "linh hoạt"

Đối mặt với tình cảnh "tồi tàn" đó là ông Enrico Piaggio, nhà sáng lập của tập đoàn Piaggio lớn nhất nhì nước Ý vào thời bấy giờ.

Trước khi chiến tranh nổ ra, gia đình Piaggio vươn lên trở thành một thế lực trong ngành động cơ, ô tô và đầu máy xe lửa. Cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất thời chiến, Piaggio buộc phải chuyển sang phục vụ quân đội và cho ra lò mẫu máy bay nổi tiếng – Piaggio P.108.

Nhưng sáng tạo trên cũng biến Piaggio trở thành một "cái gai trong mắt" phe Đồng minh, khiến dây chuyền Piaggio trở thành một mục tiêu "bắn phá" trong nhiều năm liền.

Khi chiến tranh kết thúc, phân xưởng Piaggio huy hoàng năm nào đã trở thành một đống sắt vụn không có khả năng phục hồi.

Nhưng với Enrico Piaggio, ông coi đây là một cơ hội để thay đổi. Ông đích thân trải nghiệm những khó khăn trong di chuyển sau chiến tranh, thậm chí chứng kiến nhiều người thân "đắp chiếu" chiếc xe hơi của mình vì không thể nào sử dụng trên đường xá vào thời điểm này.

Người Ý cần một phương tiện di chuyển an toàn, linh hoạt, và thích ứng với tình hình hiện tại. Vì quê hương đã trở thành chiến trường trong thời gian dài, Enrico có cơ hội tận mắt nhìn thấy rất nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng.

Trong đó đặc biệt là mẫu xe Cushman, được sử dụng rất nhiều bởi quân đội Mỹ để di chuyển giữa doanh trại hoặc "xâm nhập" bên kia chiến tuyến.

Lính Mỹ trên chiếc xe Cushman

Nhưng vì là một "dụng cụ chiến tranh", mẫu xe trên hoàn toàn không thoải mái cũng như đẹp mắt. khiến nhiệm vụ của Enrico ngày một khó khăn hơn, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn là thẩm mỹ.

May mắn thay, do lệnh cấm đầu tư và nghiên cứu quân sự trong vòng 10 năm, hàng chục kỹ sư hàng đầu nước Ý lại có cơ hội quy tụ trong nhà xưởng Piaggio, với mục tiêu xây dựng một mẫu xe vừa đủ bền và linh hoạt để di chuyển trên đường xá đổ nát, vừa đủ rẻ để đa phần người dân có cơ hội sử dụng.

 

"Con ong" của nước Ý

So với mẫu xe của quân đội Mỹ, mẫu thiết kế đầu tiên của Piaggio ưu tiên "bảo vệ" người dùng khỏi đất đá và dầu mỡ từ động cơ, nhất là vào mùa mưa.

Khi bản mẫu đầu tiên được hoàn thành, Enrico Piaggio rất ấn tượng với kiểu dáng và tiếng nổ khác biệt, ông thốt lên: "Sembra una vespa!" (Nó cứ như con ong ấy). Chính câu nói này mà kiểu xe mới được đặt tên là Vespa.

Với cấu thành đơn giản, chi phí thấp, dây chuyền nhỏ gọn … Vespa nhanh chóng được đưa vào sản xuất và bán ra trên thị trường vào năm 1946.

Trong năm đầu kinh doanh, ông Enrico đã bán được 2.500 chiếc, tất cả lợi nhuận được ông tiếp tục đầu tư vào nhà máy để nâng cao năng suất và giảm giá thành.

Thành công nhanh chóng đến với Vespa khi 10.000 chiếc được bán ra vào năm 1948 và con số trên nhanh chóng vươn lên 60.000 chiếc vào cuối năm 1949.

Vespa phổ biến đến nỗi người dân sử dụng luôn động từ "Vespare" để chỉ hành động đi đâu đó bằng xe Vespa. Người dùng khắp nước Ý trở nên "mê mẩn" với mẫu xe này, gọn nhẹ - sạch sẽ - an toàn, Vespa có thể bắt gặp ở bất cứ ngõ ngách nào tại Ý vào thời kỳ đó.

Vào năm 1948, Vespa xuất sang thị trường Ấn Độ rộng lớn và giữ vị trí độc quyền trong hàng chục năm kinh doanh tại đây.

Vespa cũng nhanh chóng "xâm chiếm" thị trường Mỹ sau khi bộ phim kinh điển Roman Holiday được công chiếu với cảnh nữ diễn viên huyền thoại Audrey Hepburn chạy một chiếc Vespa.

Ước tính có đến 100.000 chiếc Vespa được bán nhờ vào ảnh hưởng của tác phẩm này.

Thành công vang dội trên kéo theo một loạt thương hiệu "ăn theo", từ Fuji Rabbit của Nhật Bản, Zundapp của Đức, Triumph Tigress của Anh và Vyatka của Nga. Nhưng không một thương hiệu nào sống nổi quá chục năm dưới "cái bóng vĩ đại" của Vespa.

Sau khi người dùng Âu – Mỹ dần chuyển sang sử dụng xe hơi vì những tiện ích của nó, Piaggio chuyển hướng sang Châu Á, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển và nhanh chóng trở thành một "tuyên ngôn thời trang" ở thị trường Việt Nam.

Với nhiều nhà máy sản xuất trong khu vực, Vespa đã tự mình khai phá ra thị trường "xe máy cao cấp" mà Honda và các hãng xe khác đang bỏ ngỏ, trở thành một biểu tượng của "đẳng cấp" cho đến ngày nay.

 

Kết quả

Dù sinh ra chỉ để giúp người dân Ý "chống chọi" với hoang tàn sau chiến tranh, Vespa nhanh chóng vươn lên trở thành một biểu tượng quật cường của người dân nước Ý.

150 mẫu xe, 60.000 thành viên CLB Vespa và hơn 18 triệu chiếc được bán ra cho đến ngày nay, Vespa đã và đang là một thế lực không thể chối cãi trong ngành xe máy.

Câu chuyện thành công của ông chủ Enrico Piaggio gợi nhớ chúng ta về bài học bất hủ: "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường", và dù đường đi có tan nát như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn còn có Vespa để "vi vu".