Nhiều bạn liên hệ fanpage của Hoa mai Bình Định (fb/hoamaitetbinhdinh) hỏi rằng vì sao mà cây mai mua tại Bình Định về chăm một thời gian lại chết, nếu không bị thì bị suy và các chi dần bị mất thế dẫn đến cây không ra hoa vào năm sau. 

Trong bài chia sẻ ngày hôm nay, Hoa Mai Bình Định sẽ chia sẽ đến các bạn một vài lưu ý khi chăm sóc mai Bình Định nếu các bạn đang sở hữu cho mình một cây mai bình định nhé. Xin mời các bạn theo dõi bài chia sẻ.


Kỹ thuật trồng và chăm sóc mai Bình Định
Kỹ thuật trồng và chăm sóc mai Bình Định


*Một vài đặc điểm mai Bình Định:

1/ Về dáng thế:

Tại Bình Định trồng mai với nhiều dáng thế. Tuy nhiên, có một dáng phổ biến chiếm một tỷ lệ lớn trong các nhà trồng mai là dáng trực.

2/ Về chất trồng:

Đất phù sa chiếm hơn 90% trong chất trồng, 10% còn lại là xơ dừa, phân bò ủ mục,… Đất phù sa được hình thành do lũ về làm nước ngập những cánh đồng hoa màu (không phải cánh đồng trồng lúa, mà chủ yếu là cánh đồng trồng đậu phộng). Khi nước rút, để lại trên bề mặt một lớp phù sa. Nhà vườn dùng xẻng xắn lớp này lên trộn chung với bột dừa, phân bò… ủ một khoảng thời gian trung bình từ 3 đến 6 tháng sau đó đem đi trồng. 

Tuy nhiên, khi các bạn mua về đến Sài Gòn, do đất phù sa hiếm nên không có đất để thay chậu cho cây mai, nên chất trồng ít nhiều thay đổi, cụ thể các bạn thường trộn chất trồng mai theo tỷ lệ: 60% đất thịt, 10% tro trấu, 20% xơ dừa, 10% phân bò và một số chất khác để làm chất trồng dẫn đến cây không phát triển giống như khi mua mai về.

3/ Về vật liệu tạo dáng:

Tại Bình Định chủ yếu dùng que tre (hay còn gọi là gim được làm từ tre gai) chẻ thành những thanh gim và dùng lạc tre để tạo dáng. Lạc tre làm bằng cách chọn những thanh tre có lóng dài, còn non (tức là cây tre có lá mới vừa ra đủ). 

Nhà vườn dùng những khúc tre này bỏ vào nồi nước luộc khoảng 3 tiếng, sau đó đem phơi khô từ 5 đến 6 ngày (nếu đủ nắng), khi cần thì lấy ra chẻ lạc mà dùng.  Do tạo dáng bằng que tre, nên yêu cầu chất trồng phải có khả năng giữ được những thanh tre khi cắm nên chất trồng phải chứa tối thiểu 60% đất phù sa.

*Những điều lưu ý khi trồng mai Bình Định tại các vùng miền khác:

Khi thay chậu cho cây mai, do chất trồng có tỷ lệ đất cao nên một yêu cầu đặt ra là làm sao cho chậu thoát nước nhanh. Vì vậy, trước khi bỏ chất trồng vào chậu các bạn nên dùng mẻ sành (hoặc miếng gạch, lưới) che lổ thoát nước và cho một lớp cát hạt to phủ một lớp dày từ 3 phân và đến 10 phân (cát hạt to thường được lấy từ đáy của những con sông có nguồn nước bắt nguồn từ núi). Nếu ở tại thành phố Hồ Chí Minh, các bạn có thể yêu cầu cửa hàng bán vật liệu xây dựng chở cát tương tự với tên gọi cát đổ bê tông hạt to.

Việc bấm tỉa phải thực hiện như sau: từ tháng giêng cho đến đầu tháng 4, khi một đọt non phóng ra và chuẩn bị già thì các bạn tính từ trong điếm ra đến lá thứ tư, các bạn ngắt tượt đó ngay. 

Từ giữa tháng thứ 4 đến giữa tháng 6, việc bấm tỉa thực hiện như sau: khi tược non vừa bung khoảng 6 đến 10 lá non thì ta bấm ngay sau lá non thứ 4. 

Từ giữa tháng 6 đến giữa cuối tháng 7 các bạn thực hiện như tháng giêng đến tháng 4, từ tháng 8 đến tháng 9, hạn chế bấm tỉa, chỉ những cành nào vượt trội các bạn mới bấm tỉa mà thôi. 

Từ tháng 10 trở đi không nên bấm tỉa. Việc bấm tỉa chỉ thực hiện lần cuối vào ngày 22/12 đến 25/12 âm lịch.

*Các lưu ý:

+ Một tháng tưới phân 1 lần và xịt thuốc định kỳ 2 lần.

+ Một năm phải có ba lần tạo dáng mai (không tính lần xả tàn sau tết).

• Lần 1: vào cuối tháng 4 mục tiêu định hình nhánh non. Chú ý: trong đợt này là khi uốn nhánh, phải tạo sao cho 2 lá đối xứng trên một nhánh phải song song với mặt chậu.

• Lần 2: cả tháng 6, định hình dáng thế và gia tăng việc tạo nụ. Chú ý: cuối tháng 6 là giai đọan quan trọng nhất, trong đợt này, ta phải kéo các nhánh của chi thấp hơn cốt chi bên trong.

• Lần 3: Đầu tháng 8, định hình dáng thế. Chú ý: trong đợt này, hạn chế bớt việc bắm tỉa những cành nụ hình thành quá rõ rệt và quá to.

Chăm sóc mai Bình Định phải đặc biệt chú ý lọai bỏ hoàn toàn những nhánh mọc từ thân, cành mọc tượt (mạnh, lớn dài) từ trong cốt chi.

Mai Bình Định chăm sóc tại Sài Gòn thường rất dễ bị phá thế do ngọn các bạn thường thả xổng (để phát triển tự do) cho cây mau lớn. Nhưng như thế thứ nhất sẽ làm mất dáng mai, thứ hai cây sẽ ít nụ. Vì thế, phải áp dụng kỹ thuật biến chi thành ngọn để chận sự phát triển của ngọn, tạo dáng đầu voi đuôi chuột và cây nhiều nụ.

Tóm lại: Nếu các bạn áp dụng đúng những điều vừa nêu cộng với chế độ phân bón phù hợp thì chắc chắn các bạn sẽ có một cây mai Bình Định phát triển tốt, cho nhiều nụ vào dịp Tết. Hy vọng với những chia sẻ trên các bạn sẽ chăm sóc tốt cho cây mai của mình. Chúc các bạn thành công.

Hoa mai Tết Bình Định