Để chăm sóc một cây mai vàng ra hoa cần một quá trình chăm sóc mai theo một quy trình chăm sóc cả một năm, từ giai đoạn phát triển sang giai đoạn sinh thực và hình thành mầm hoa.
Thế nhưng một số ít bạn mới tập chăm mai lần đầu thường do bận công việc nên không quan tâm đến cây mai, đến cuối năm mới bắt đầu chăm sóc lại và thường không biết mai ra nụ vào tháng mấy, nên bón phân gì để tạo nụ mai.
Và cũng thời gian đó các bạn thường vào hội nhóm mai vàng trên facebook để tìm chỉ dẫn chăm sóc mai, trên này nhiều nhân viên của các cửa hàng vật tư nông nghiệp họ chào bán rất nhiều loại phân bón “siêu tạo nụ mai” với những công dụng làm mát lòng người xem và các bạn mua về để phun, sau khi phun xong thì thấy không hiệu quả.
Nhiều bạn gửi câu hỏi về diễn đàn Hoa mai Bình Định nhờ sự hỗ trợ là vì sao bón những loại siêu tạo nụ mai này lại không thấy cây mai ra nụ, có cách nào giúp mai ra nụ không? Thực sự chỉ dám khuyên các bạn ấy nên dưỡng cây để chăm sóc cho năm sau, chỉ vì dùng sai thời điểm.
![]() |
Mai vàng rực rỡ ngày xuân. Ảnh: Hoamaixunau. |
Cây mai bắt đầu phân hóa mầm hoa trong những tháng giữa năm thời điểm nắng nóng gay gắt nhất thường rơi vào ngày Hạ Chí của năm. Đây chính là giai đoạn mà các bạn cần tác động để giúp cây ra hoa sau này. Vì thế mà thời điểm cuối năm, các bạn không thể nào giúp cây mai ra hoa được với các sản phẩm siêu tạo nụ mai như trên.
Sự ra hoa là một bước ngoặt trong đời sống của thực vật tức là sự chuyển hướng từ giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng sang giai đoạn sinh trưởng sinh sản. Sự chuyển hướng này thực chất là sự thay đổi đột ngột trong đỉnh sinh trưởng của thân, cành để có thể chuyển từ sự phân hoá mầm lá sang phân hoá mầm hoa.
Sự phân hoá (differentiation) mầm hoa bao gồm sự thay đổi về mô học và hình thái học chuyển mô sinh trưởng dinh dưỡng trở thành một mô phân sinh hoa (theo Davenport, 1990). Tình trạng sắp xếp của đỉnh tận cùng quyết định quá trình tiếp theo và sự xếp đặt của mầm chồi bên. Nếu đỉnh tận cùng hình thành đài hoa thì mầm chồi bên cũng sẽ hình thành hoa.
Đối với sự ra hoa của cây mai thì giai đoạn khởi xướng, cảm ứng sự ra hoa là quan trọng nhất. Đây là quá trình phức tạp chịu ảnh hưởng của nhân tố nội tại ( quan trọng là phytohoocmon và phytocrom) và các nhân tố ngoại cảnh (chủ yếu là ánh sáng và nhiệt độ ).
Ảnh hưởng của nhiệt độ đặc biệt là nhiệt độ thấp đến sự ra hoa người ta gọi là sự xuân hoá. Còn ảnh hưởng của độ dài ngày đến sự ra hoa người ta gọi là hiện tượng quang chu kì. Hai yếu tố nhiệt độ và quang chu kỳ này ảnh hưởng mật thiết lên sự ra hoa của cây mai.
Dưới tác dụng của nhiệt độ thích hợp và quang chu kì cảm ứng, trong lá cây xuất hiện các chất đặc hiệu gây nên sự ra hoa gọi là hormone ra hoa.
Chế độ phân bón cho cây mai có liên quan đến sự tích lũy carbohydrate cũng như các chất điều hòa sinh trưởng trong cây nên góp phần thúc đẩy hay ngăn cản sự ra hoa. Nên sau tết các bạn bón phân có tỷ lệ N cao sẽ kích thích ra lá mới, tốt cho ra hoa. Nhưng trong giai đoạn tháng 6 – 9 âm lịch các bạn bón phân có tỷ lệ P và K cao để cây phân hóa mầm hoa.
Vì vậy trong rất nhiều chuyên đề hướng dẫn chăm sóc mai vàng, Hoa mai Bình Định đã hướng dẫn các bạn từ giai đoạn tháng 6 âm lịch trở đi các bạn giảm đạm và tăng lân khi bón phân cho cây mai.
Lân (P) có trong thành phần Protid tạo nên nhân tế bào, vì vậy nó là chất không thể thiếu cho sự sống của cây mai. Lân rất cần cho sự hình thành nên các bộ phận mới ra mầm non (tham gia tích cực trong quá trình kiến tạo nên hoạt chất hình thành mầm hoa, đẻ nhánh, phân cành, ra hoa và phát triển bộ rễ cây mai.
Ngoài ra lân còn ảnh hưởng đến sự vận chuyển đường, bột tích lũy về hạt và các bộ phận của chất nguyên sinh làm cho cây mai chống được lạnh, chống được nóng... Và lân có trong thành phần hạt nhân tế bào, rất cần cho sự hình thành bộ phận mới của cây. Lân tham gia vào các thành phần enzin, các Protein, tham gia vào quá trình tổng hợp các axit amin.
![]() |
Mai vàng rực rỡ ngày xuân. Ảnh: Hoamaixunau. |
Nhưng cũng xin nói thêm là các bạn cần chú ý khi bón lân cho cây mai phải cân đối và hợp lý vì bón quá nhiều lân có thể làm cho cây mai bị thiếu một số nguyên tố vi lượng (như zn và fe) nên Hoa mai Bình Định thường chia sẻ các bạn nên bón phân lân kết hợp với bón bổ sung các nguyên tố vi lượng thiết yếu khác, không nên bón phân lân đơn lẻ.
Như trong các loại phân lân (kích mầm hoa) thì phân kích ra hoa Nutrilux là một dạng phân lân chứa khá nhiều các nguyên tố dinh dưỡng trung và vi lượng (Ca, Mg, Fe, Mn,Zn…) giúp cây hình thành mầm hoa sớm mà không sợ thiếu hụt các nguyên tố vi lượng thiết yếu.
Hiện tượng ra hoa của các loài thực vật tùy theo quang kỳ: Các cây thích ngày dài sẽ trổ bông khi đêm dần ngắn lại, các loài thích đêm dài thì ngược lại chỉ bắt đầu nở hoa khi mùa thu tới. Một khi đêm dài mùa đông qua đi, ngày xuân ấm áp trở về thì trên đầu ngọn cành những loài cây cho hoa mùa xuân như mai, đào xuất hiện loại gen báo thức gọi là florigen cho cây biết đã đến lúc trổ bông.
Có nhiều quan điểm về ra hoa: florigen, đồng hồ cát,nhịp nội sinh, đa yếu tố kiểm soát ra hoa.Trong đó thuyết florigen và thuyết đa yếu tố là kiểm soát sự ra hoa nổi bật nhất.
Thực ra florigen sinh hoa là một bộ gồm nhiều gen di truyền khác nhau được hình thành ở lá, nơi chúng bị kìm hãm bởi bộ gen di truyền khác chống nở hoa gọi là constans. Cả hai nhóm đều là những protein chuyên biệt được sinh ra dưới ánh sáng ban ngày, rồi hao hụt dần theo độ dài của đêm cho đến khi được bổ sung mới vào ngày hôm sau.
Trong thời kỳ đêm dài mùa đông các constans như FLC (flowering locus constans) chiếm tỷ lệ lấn át so với lượng gen sinh hoa như FT (flowering locus T). Nhưng vào đầu mùa xuân khi đêm ngắn dần, các tia nắng đến sớm làm chuyển hóa một số constans còn lại qua đêm thành gen chống ức chế SOC1 (suppressor overexpression constans), nhờ đó số florigen còn lại được phóng thích khỏi lá, di chuyển vào thân, tích tụ mỗi ngày một nhiều lên ngọn khởi đầu cho giai đoạn dậy thì thực vật.
![]() |
Mai vàng rực rỡ ngày xuân. Ảnh: Hoamaixunau. |
Tính nhạy cảm tự nhiên của mai vàng với tia nắng ấm và độ dài ngày đêm được dùng để làm cho cây trổ bông tập trung một lần vào những ngày Tết. Một khi các bạn thấy xuất hiện dưới lớp da xù xì nhiều nốt u nhỏ và vài nụ hoa là lúc florigen đã thoát ra được khỏi lá đi vào trong thân.
Việc lặt lá phải được bắt đầu để hạn chế sản sinh các constans ngăn cản nở hoa. Nhờ đó các cành nhỏ cành lớn rộn ràng nở hoa trước khi cây kịp điều chỉnh để đâm chồi, nẩy lộc.
Tuy là một bài chia sẻ ngắn mang tính tổng quát nhưng Hoa mai Bình Định hy vọng sẽ mang lại nhiều điều thú vị trong học thuyết ra hoa florigen sẽ giúp các bạn hiểu được quá trình hình thành mầm hoa mai xảy ra như thế nào, đồng thời giúp các bạn hiểu được cách chăm sóc mai ra nụ đúng thời điểm.