Theo lời review trên mạng của nhiều bạn trẻ khác, cô gái rủ hội bạn đi thử để thỏa lòng hiếu kỳ. Tuy nhiên, khi đến nơi, Thư và cả nhóm bất ngờ trước cảnh tượng đông đúc, không gian không đẹp như trên ảnh.
“Những góc check-in cũng không bắt mắt mấy, các mảng tường thì hoen ố, cây cảnh héo tàn, không được chăm sóc chỉn chu. Thấy vậy cả nhóm cũng mất hứng chụp ảnh”, Thư bức xúc.
Chú trọng kinh doanh không gian bên cạnh nước uống, đồ ăn, song các quán cà phê sống ảo thường không có khách quen. Nhiều quán phải liên tục thay đổi tiểu cảnh để giữ chân khách.
Những quán cà phê có view đẹp thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh. |
Không trở lại lần sau
Theo Thư, những quán cà phê theo mô hình check-in thường hút lượng lớn khách vào thời gian đầu. Điều này tạo nên hiệu ứng đám đông khiến những “tín đồ sống ảo” không thể bỏ qua cơ hội đến để trải nghiệm, chụp hình.
Tuy nhiên, sau một thời gian, khi “cơn sốt” đi qua, những nơi này khó giữ chân khách hàng lâu dài khi cơ sở vật chất xuống cấp, cảnh quan cũ kỹ.
Ngoài ra, chất lượng đồ uống, cách thức phục vụ cũng ảnh hưởng đến quyết định quay trở lại của thực khách.
Thảo Linh (27 tuổi) cho biết với các quán cà phê "sống ảo", cô thường chỉ đến một lần. Những quán khiến cô muốn ghé lại lần hai thực sự rất ít.
"Mỗi quán thường chỉ có vài ba góc để chụp ảnh check-in đẹp. Một lần đến chụp là đã chụp đủ rồi nên không cần thiết đến nữa, trừ khi mình muốn giới thiệu với bạn bè", Linh bộc bạch.
Bên cạnh đó, cô gái cũng cho rằng các quán cà phê "sống ảo" thường bài trí không gian sao cho thật lung linh khi lên hình nhưng lại ít quan tâm đến tính thuận tiện và thoải mái cho những khách có nhu cầu ngồi lại nói chuyện, làm việc, học bài.
"Tuy có không gian đẹp, những quán cà phê theo mô hình check-in không có lượng khách quen. |
"Mình từng đến một quán cà phê trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình). Quán được trang trí bằng rất nhiều hoa tươi, lều, bạt nên chụp ảnh xinh lắm. Nhưng nếu đi nhóm 4-5 người sẽ không thể tìm được một chỗ ngồi thoải mái vì đồ trang trí chiếm quá nhiều không gian", cô nói.
Theo Linh, một điểm trừ nữa của các quán cà phê chụp ảnh là thường khá ồn ào, lộn xộn.
"Mọi người hiếm khi ngồi yên vì thích đi tới, đi lui tạo dáng, chụp ảnh. Nhà vệ sinh nhiều khi phải chờ lâu vì có các nhóm khách thương mại vào thay đồ, trang điểm để chụp quảng cáo".
Tìm cách giữ chân khách
17h, chị Thu Thủy (30 tuổi), chủ quán cà phê Jeju (quận Bình Thạnh), tất bật sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị chỗ ngồi cho những lượt khách ra vào nườm nượp.
Từ khi khai trương vào tháng 11 năm ngoái, quán của chị được nhiều bạn trẻ biết đến nhờ có góc "sống ảo" theo phong cách Hàn Quốc.
Vốn hướng đến việc kinh doanh không gian, quán chỉ tính phí đối với những cá nhân chụp hình thương mại, PR sản phẩm.
Để tránh làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của những khách hàng khác, chị chỉ nhận đặt lịch trước vào các khung giờ vắng trong tuần.
“Bên tôi thu phí chụp thương mại là 250.000 đồng/giờ. Khi đã thanh toán, khách được tự do mang theo ekip, vali quần áo, dụng cụ đến tác nghiệp. Tôi cũng có thể mở cửa vào sáng sớm tùy theo nhu cầu của mọi người. Riêng hoạt động check-in kỷ niệm bình thường thì tôi không tính phí”, chủ quán chia sẻ.
Nhiều quán cà phê thu phí với khách có nhu cầu thay trang phục để chụp hình trong khi một số nơi khác thì không. |
Theo chị, cũng khó tránh trường hợp khách chỉ đến một lần vì vốn quán của chị tập trung vào mô hình check-in. Đa số mọi người đến Jeju là để chụp ảnh, lưu lại khoảnh khắc đẹp của bản thân. Vì thế, nơi đây không phù hợp với đối tượng khách đến làm việc, họp hành.
Để tạo không khí mới mẻ, không gây nhàm chán, chị Thủy và các nhân viên cũng thường xuyên thay đổi concept trang trí theo mùa như Giáng sinh, Tết. Ngoài ra, vào các buổi tối trong tuần, quán tổ chức thêm chương trình âm nhạc acoustic nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Giống với những quán cà phê theo mô hình check-in khác, Sử Đăng (20 tuổi), trợ lý quản lý của Fika Getogether (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), cũng phải đưa ra nhiều phương án cân bằng các tiêu chí dịch vụ để giữ chân khách.
Ngoài đảm bảo các góc chụp hình luôn sạch đẹp, tươm tất, được đổi mới thường xuyên, quán cũng chú trọng đến chất lượng đồ uống, phục vụ.
“Nhu cầu check-in chiếm khoảng 70% lượng khách, 30% còn lại là đến làm việc, gặp gỡ bạn bè. Quán không có quy định thu phí chụp hình với tất cả đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, để có ảnh đẹp, mọi người nên đi từ thứ 2 đến thứ 6 vì cuối tuần sẽ thường đông hơn”, Đăng nói.
Sử Đăng cho biết thêm không gian quán tái tạo lại phong cách Địa Trung Hải nên được nhiều bạn nữ yêu thích. Mọi người được tự do tác nghiệp, miễn không thay đổi bố cục cảnh quan, xê dịch các bàn ghế, tiểu cảnh trong quán.
Hầu hết quán cà phê "sống ảo" đều có không gian ngoài trời rộng rãi, thoáng mát. |
Hoàng Duy, quản lý của hai quán cà phê "sống ảo" hút khách ở quận 1, chia sẻ sau một thời gian hoạt động, đa số các quán đều phải làm mới không gian bằng cách thay đổi concept trang trí.
"Khách hàng rất thích chụp ảnh ở những quán mang phong cách độc đáo. Ngoài ra, để khách không bị nhàm chán, quán cũng phải chăm thay đổi cách bài trí.
Thanh Nga khẳng định không muốn bị so sánh với ai vì mỗi cá nhân có hướng phát triển và công việc riêng |
Một quán của chúng tôi mới hoạt động hồi đầu năm vẫn giữ nguyên chưa thay đổi gì nhiều. Còn một quán đã mở được lâu nên vào dịp Trung thu, Noel, Tết... thì đều được trang trí lại".
Quản lý cho biết việc đầu tư trang trí quán chỉ là một trong những cách thu hút khách hàng. Còn giữ chân được khách dài lâu hay không sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khác như thái độ phục vụ, chất lượng đồ uống, giá thành.