Dòng tiền hối lộ chuyến bay giải cứu
Chuyến bay giải cứu từ một chủ trương bảo hộ công dân trong đại dịch, đã bị các doanh nghiệp và nhiều quan chức lợi dụng để mua bán giấy ph...
Dòng tiền hối lộ
Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình (công ty An Bình), đón bắt được chủ trương này từ rất sớm. Tháng 5/2020 - khi chuyến bay combo mới chỉ là đề xuất, bà Mơ thông qua quan hệ cá nhân gặp ông Tô Anh Dũng, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nhờ hỗ trợ để được tổ chức bay giải cứu. Khi chính sách này thực thi vào tháng 11, công ty An Bình thuộc nhóm doanh nghiệp đầu tiên tham gia và sau đó được cấp phép 66 trong tổng số 372 chuyến bay combo. Đổi lại, bà Mơ bỏ ra gần 35 tỷ đồng để "mua chuộc" 8 người thuộc Tổ Công tác 5 Bộ.
Công ty An Bình chỉ là một trong 18 nhóm doanh nghiệp, cá nhân hối lộ để được giao tổ chức bay, theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an.
Khi doanh nghiệp có "cầu", nhiều cán bộ của một số cơ quan đã lợi dụng tình hình tạo ra nguồn "cung". Cơ quan điều tra phát hiện một số cá nhân tại Văn phòng Chính phủ trực tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp dù không được giao nhiệm vụ, bỏ qua quy trình thẩm định của Tổ công tác 5 Bộ, báo cáo thẳng cấp trên phê duyệt. Với cả những hồ sơ đi đúng quy trình, nhiều cán bộ vẫn lợi dụng thẩm quyền để nhũng nhiễu, ép doanh nghiệp chi tiền mới giải quyết.
Mỗi chuyến bay được "ra giá", từ 100 đến 500 triệu đồng; hoặc tính trên đầu người thì từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng, thậm chí 7-15 triệu đồng, tuỳ thời điểm. Căn cứ "bảng giá" thỏa thuận trước, doanh nghiệp "hối lộ" mức tương ứng để được cấp phép bay.
Đường dây nhận hối lộ từ các doanh nghiệp đến 21 bị can ở 5 Bộ, VPCP và 2 địa phương
Trong thời gian chính sách chuyến bay combo được triển khai, dòng tiền hối lộ trải qua một lần điều chỉnh.
Từ tháng 11/2020 đến 3/2021, chỉ có 5 đại diện doanh nghiệp tiếp cận cán bộ Văn phòng Chính phủ (cấp phê duyệt) và Bộ Ngoại giao (cấp đề xuất) để hối lộ, gồm: Hoàng Diệu Mơ (Công ty An Bình), Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Công ty Bluesky), Hoàng Anh Kiếm (Công ty Lữ Hành Việt, Hoàng Long Luxury), Nguyễn Thị Tường Vy (Công ty ATA, Investco, Minh Vượng), và Phan Thị Mai (Công ty Việt Phát, Việt Nhật).
Tình hình thay đổi khi ngày 1/4/2021, Tổ công tác 5 Bộ được trao quyền quyết định chuyến bay giải cứu. Văn phòng Chính phủ không còn vai trò trong quá trình cấp phép.
Khi 5 Bộ có thẩm quyền ngang nhau, hồ sơ của doanh nghiệp phải được tất cả đồng ý, chuyến bay mới có thể cất cánh. Để thuận lợi, doanh nghiệp thỏa thuận ngầm mua "chữ ký" đồng thuận từ nhiều quan chức ở các Bộ. Từ đây, dòng tiền hối lộ bắt đầu chuyển sang một số cán bộ, quan chức tại Bộ Y tế, Công an, Giao thông Vận tải, lan xuống tận cấp phòng.
Số doanh nghiệp tham gia cũng tăng lên 18 nhóm. Hơn 90% số tiền đút lót của vụ án được đưa trong giai đoạn này, cho đến khi các đường bay thương mại mở lại vào tháng 1/2022. Giá mỗi chuyến bay được điều chỉnh từ 100 đến 200 triệu đồng, thay vì 231 triệu (10.000 USD), thậm chí 500 triệu, như giai đoạn trước.
Dòng tiền hối lộ vụ chuyến bay giải cứu từ 2020 đến 1/2022
Thị trường ngầm mua bán giấy phép chuyến bay giải cứu hé lộ sau khi Bộ Công an khởi tố và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 54 bị can. Trong đó, 23 người bị cáo buộc Đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, còn 21 quan chức nhận 165 tỷ đồng tiền tham nhũng. 61 tỷ đồng chênh lệch đang tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ. Ngoài ra, 10 bị can khác bị truy tố vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (4 người), Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (2 người) và Môi giới hối lộ (4 người).
Trong số cán bộ bị truy tố, có 7 người hầu như doanh nghiệp nào cũng phải "qua cửa". 5 bị can thuộc Bộ Ngoại giao gồm: Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lưu Tuấn Dũng, và Lê Tuấn Anh. Hai người còn lại là "đầu mối" từ Bộ Y tế (Phạm Trung Kiên) và Công an (Vũ Anh Tuấn). Thông qua họ, các chủ doanh nghiệp lần lượt tiếp cận những người có thẩm quyền khác để đút lót, đẩy nhanh tiến độ hồ sơ.
So sánh số tiền tham nhũng từ doanh nghiệp của các quan chức tại 5 Bộ
Chứng cứ thu thập được của cơ quan điều tra cho thấy, quy trình từ lúc cấp phép phần lớn các chuyến bay, đón công dân, đến đưa đi cách ly đều có thể được mua bằng tiền. Đơn cử, có giai đoạn doanh nghiệp không thuê được tàu bay to để chở hết số khách, Vũ Hồng Quang (nguyên Phó Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam) đã "cung cấp dịch vụ" cấp phép bay quá số khách đã duyệt trên máy bay nhỏ, với giá 2 triệu đồng mỗi khách tăng thêm.
Không chỉ mua - bán giấy phép bay, một nhóm cá nhân còn đứng ra môi giới chuyển nhượng. Theo kết luận điều tra, Lê Thị Ngọc Anh (chuyên viên Phòng nhà khách, Vụ Lễ tân, Ban đối ngoại Trung ương) là đầu mối nhận "bán" giấy phép chuyến bay cho bị can Nguyễn Thị Hiền (kinh doanh vé máy bay), và Vũ Sỹ Cường (cán bộ Bộ Công an). Để xin được giấy phép, Ngọc Anh tiếp tục nhờ Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Phòng trị sự, Tạp chí Thanh tra Chính phủ) chuyển tiền cho quan chức có thẩm quyền. Mỗi chuyến thành công, Ngọc Anh sẽ trả cho Ngân từ 150 đến 200 triệu đồng.
Trong “thị trường ngầm“ này, mức hối lộ không phụ thuộc vào chức vụ của mỗi cán bộ. Vai trò trong quy trình cấp phép và mức độ gây khó dễ mới quyết định giá chung chi.
Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế, là người đứng đầu danh sách bị can về số tiền nhận hối lộ - gần 43 tỷ đồng từ 18 nhóm doanh nghiệp, cá nhân trong 253 lần "giao dịch". Là người tiếp nhận báo cáo về việc duyệt kế hoạch chuyến bay từ Cục Y tế dự phòng để trình lãnh đạo, tuy nhiên, Kiên đã thoả thuận với đại diện doanh nghiệp, ra giá cụ thể cho từng chuyến bay, hành khách. Bị can này cũng là cán bộ duy nhất có cách làm ăn riêng để giúp 179 khách lẻ trong và ngoài nước được phê duyệt bay, thu về gần 15 tỷ đồng.
Không chỉ làm việc đơn lẻ, Kiên còn liên kết với Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), để "gợi ý" doanh nghiệp chi tiền. Sau Kiên, Tuấn là người nhận số tiền lớn thứ hai, hơn 27 tỷ đồng - gấp gần 4 lần cấp trên là Trần Văn Dự - Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (7,6 tỷ đồng). Một số cán bộ tại cơ quan này bị cáo buộc đã tạo thành lợi ích nhóm.
Trong đó, Tuấn sau khi nhận công văn xin ý kiến của Bộ Ngoại giao đã liên hệ nhiều doanh nghiệp, hẹn gặp và yêu cầu chi tiền, cấp phép chuyến bay. Cán bộ này còn bị cáo buộc cố tình gây khó dễ, tác động cấp trên không phê duyệt hồ sơ dẫn tới doanh nghiệp phải đưa hối lộ. Tuy nhiên, Tuấn nhiều lần nhận tiền riêng mà không chung chi với hai đồng sự.
Bộ Ngoại giao - đầu mối chủ trì lên kế hoạch cấp phép bay, cũng là nơi có nhiều bị can nhận hối lộ nhất. Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Lãnh sự, nhận hơn 25 tỷ đồng, nhiều hơn cấp trên là cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng (21 tỷ đồng). Không chỉ nhận hối lộ, bà Lan còn bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp "thân cận", có nhiều chiêu trò làm khó công ty chưa chi tiền "bôi trơn" như: sát ngày bay mới thông báo, hoặc đột ngột thay đổi kế hoạch…
Để qua hết các "cửa", 18 nhóm doanh nghiệp với khoảng 100 pháp nhân đã thỏa hiệp, "bắt tay" cán bộ để đạt được mục đích.
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) xác định, có 515 cuộc đưa - nhận hối lộ diễn ra tại Hà Nội, cả trong những ngày phong tỏa. Một nửa số vụ đút lót được xác định địa điểm ngay tại trụ sở Cục Lãnh sự, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Y tế. Số còn lại được giao - nhận ở nhà riêng, các địa điểm công cộng (ngã tư đường, xe ôtô, bến xe buýt…), hoặc qua tài khoản người thân để che giấu hành vi.
Địa điểm nhận hối lộ
Thị trường mua bán chuyến bay giải cứu dần tới hồi kết khi giữa tháng 12, các đường bay thương mại quốc tế được thí điểm khôi phục từ ngày 1/1/2022, theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Các chuyến bay và những khoản hối lộ cuối cùng được thực hiện dồn dập.
Đến tận giữa tháng 1, nhiều bị can tại Bộ Ngoại giao vẫn còn nhận tiền đút lót cho những chuyến bay đã thoả thuận từ trước. Ngày 12/1/2022, Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Lãnh sự, nhận 1,5 tỷ đồng của Hoàng Diệu Mơ ngay tại phòng làm việc. Hôm sau, Lưu Tuấn Dũng, nguyên Phó Phòng Bảo hộ công dân, cũng nhận 30 triệu từ nhân viên của Mơ.
Hơn hai tuần kể từ lần tham nhũng cuối cùng, những cán bộ trên cùng lúc bị bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ngay sau đó, nhiều bị can đã nhận tiền đút lót tìm cách trả lại. Chỉ trong hai ngày 28-29/1, Phạm Trung Kiên liên hệ đại diện 7 doanh nghiệp, chuyển trả hơn 8 tỷ đồng. Vũ Anh Tuấn cũng chủ động trả lại tiền cho những người từng đưa hối lộ. Đến nay, các bị can đã khắc phục 36 tỷ đồng trong tổng số hơn 165 tỷ tiền tham nhũng.
Số tiền các bị can đã đưa/nhận hối lộ, hưởng lợi và khắc phục
Đánh giá về vụ án, Bộ Công an cho biết đây là vụ tham nhũng "đặc biệt nghiêm trọng" bởi các chính sách nhân văn đã bị lợi dụng trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Hoạt động phạm tội của 54 bị can tinh vi, bí mật. Người tham gia ở cả trong và ngoài nước, từ Trung ương đến địa phương.
Quá trình điều tra, dòng tiền là chìa khoá để mở toang các góc khuất trong vụ án. Các bị can đã đối phó quyết liệt, tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tài sản, gây nhiều khó khăn cho cơ quan công an.
Một năm rưỡi kể từ vụ tham nhũng đầu tiên bị phát hiện, đại án chuyến bay giải cứu vẫn chưa đến hồi kết. Nhiều lời khai về danh sách của một số cán bộ nhận tiền chung chi vẫn đang được làm rõ.
Thu Hằng - Hoàng Khánh - Thanh Hạ - Việt Đức - Phạm Dự
Về dữ liệu:
- Dữ liệu trong bài được lấy từ kết luận điều tra vụ án của Bộ Công an
- Nguồn ảnh bị can trong bài từ Bộ Công an, và website Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản (bị can Nguyễn Hồng Hà)
- Bài viết tập trung phân tích các bị can đưa, nhận, và môi giới hối lộ để mua, bán giấy phép chuyến bay giải cứu. Do đó, không bao gồm các trường hợp bị truy tố tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Hoàng Văn Hưng, nguyên cán bộ Công an; Nguyễn Anh Tuấn, nguyên phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội), và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (các bị can ở Đại sứ Việt Nam tại Malaysia)
- Theo kết luận điều tra, hành vi của dấu hiệu nhận hối lộ tại Bộ Quốc phòng được tách riêng cho Bộ này điều tra theo thẩm quyền nên bài viết không đề cập vì chưa có thông tin.