Bệnh thường phát triển vào mùa mưa , mùa có ẩm độ cao. Đồi với cây mai nên phòng ngừa bệnh là chính, không nên để bệnh xuất hiện rồi mới trị, vì khi bệnh xuất hiện về hình thái ở bên ngoài thì cây đã bị ảnh hưởng về mặt sinh lý rồi. Do đó khi dùng thuốc trị bệnh, cây có thể dừng bệnh, nhưng những hậu quả của bệnh vẫn còn dẫn đến bộ lá dễ rụng sớm.

Các loại thuốc trị bệnhthường gặp do nấm hại trên cây mai sau:

Nội dung

1. Bệnh đốm lá

Tác nhân do nấm: Pestalotia palmarum

Triệu chứng

Đầu tiên bệnh xuất hiện chỉ là một chấm nhỏ li ti, sau đó vết bệnh lan nhanh cả lá, viền vết bệnh có mầu nâu đậm, chỗ tiếp giáp giữa mô bệnh và mô khoẻ có quầng mầu vàng nhạt.

Bệnh nặng lá bị vàng rồi cháy lỗ chỗ, nhất là bìa lá, làm lá quăn queo. Bệnh thường xuất hiện trên những lá già rồi lan dần đến lá non, đọt non. Ở nhánh non bị bệnh làm lá bị rụng, đọt bị cháy khô, cây chậm phát triển.

Biện pháp phòng trừ

  • Trồng với mật độ vừa phải để cây mai được thông thoáng.
  • Vệ sinh vườn bằng cách cắt tỉa thu gom lá bị bệnh tiêu huỷ để tránh lây lan.
  • Bón phân cân đối, tăng cường bón thêm phân hữu cơ và kali giúp cây kháng bệnh.
  • Dùng thuốc hoá học: Viben C, phun ướt đều cả hai mặt lá, cần lập lại 2-3 lần, sau 5-7 ngày để trị bệnh. Phun từ 10-15 ngày/ lần để phòng trừ bệnh.

2. Bệnh cháy lá

Tác nhân do nấm: Pestalotia funerea

Lớp nấm bất toàn: Deuteromycetes

Triệu chứng

Bệnh hại chủ yếu trên lá, xuất hiện đầu tiên ở chóp và mép lá tạo thành vệt màu nâu, lan dần vào phiến lá thành mảng lớn, màu nâu xám, phân biệt rõ với phần xanh của lá, mảng cháy có khi chiếm trên 1/2 diện tích lá. Trên vết bệnh có những chấm đen nhỏ là ổ bào tử. lá bệnh nặng chuyển màu vàng và rụng. bệnh phát sinh chủ yếu trên lá già.

Điều kiện phát sinh bệnh

Bệnh phát sinh vào đầu và giữa mùa mưa, khi gặp nắng mưa xen kẽ.

Biện pháp phòng trừ

  • Bón phân đầy đủ, cân đối NPK, ngắt bỏ lá bệnh, định kỳ phun thuốc gốc đồng và phân bón lá cho cây.
  • Các loại thuốc phòng trừ như: Coc85, Viroval, Anvil, …

3. Bệnh đốm đồng tiền

Tác nhân: Địa y

Triệu chứng

Ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm rất nhỏ 2-3 mm, sau đó phát triền dần lên có đường kính 3-5 cm. Vết bệnh đa số có dạng hình tròn hoặc hơi tròn như đồng tiền, màu xám trắng hay xám xanh. Nếu nặng nhiều vết bệnh sẽ liên kết lại thành mảng lớn có hình dạng bất định, loang lổ, cứ thế nhiều lớp chồng chất lên nhau làm cho lớp vỏ của cây dày lên, có độ xốp giống như một lớp nhung bao quanh gốc cây mai.

Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh:

Đốm bệnh là mảng địa y, tức là dạng cộng sinh giữa rêu và nấm. Bệnh thường phát triển trên các thân cây lâu năm, già cỗi, lớp mô vỏ cây đã chết là môi trường cho rong rêu và các loại nấm hoại sinh phát triển. Lúc đầu bệnh chỉ tập trung ở phần thân sát gốc, về sau bệnh phát triển dần lên các nhánh cấp 1, nhánh cấp 2… Những cây có tán lá rậm rạp, ít ánh nắng, ẩm thấp rất thích hợp cho địa y phát triển.

Biện pháp phòng trừ

  • Không nên trồng hoặc sắp xếp những chậu mai trong vườn quá dày, để vườn mai được thông thoáng, khô ráo, dưới tán, dưới gốc cây nhận được thêm ánh sáng mặt trời.
  • Thiết kế mặt liếp để trồng mai (hoặc để đặt chậu mai) theo hình mai rùa, xẻ rãnh thoát nước để nước không đọng lại trên mặt vườn trong mùa mưa.
  • Định kỳ hàng năm phun 2-3 lần, phun ướt đều thân cây bằng các thuốc gốc đồng như: Bordeaux, CoC 85, Funguran
  • Đối với những gốc mai đã bị bệnh: dùng thuốc Norshield 86.2 WG (3 g/lít nước). Quét ướt đều thân, cành và gốc liên tục 3-5 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày.

4. Bệnh mốc cam

Bệnh Mốc cam do nấm: Coniothyrium fuckelli

Lớp Nấm nang: Ascomycetes

Triệu chứng

Bệnh hại chủ yếu trên cành và lá non; vết bệnh lúc đầu là những đốm mầu hồng (hơi giống mầu đỏ đồng), sau đó vết bệnh cứ phát triển rộng dần ra bao quanh hết cả đọan cành, đồng thời cũng phát triển lên cả phía trên và phía dưới của chỗ bị bệnh. Khi vết bệnh đã bao quanh kín hết cả một đọan cành thì đa số những lá mai phía trên chỗ bị bệnh sẽ có mầu vàng, xanh loang lổ, rồi bị rụng dần, khúc cành phía trên chỗ bị bệnh trở lên khô nứt, giòn dễ gẫy. Bệnh nặng làm cành khô và chết.

Điều kiện phát triển bệnh:

Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 25-30oc và ẩm độ cao. Bệnh thường gây hại nặng giai đoạn đầu và giữa mùa mưa.

Biện pháp phòng trừ

  • Định kỳ tỉa cành, cắt bỏ các cành bị gẫy hoặc bị bệnh. Sau khi tỉa cành phun thuốc Daconil, Zineb, COC 85
  • Lá mai bị cháy rìa lá

5. BệnhThán thư:

Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa mưa. Lá bị thối nhũn bắt đầu ở một điểm trên bề mặt, sau đó lan rộng ra thành từng vòng tròn lớn, phần bệnh sẽ bị khô vào lúc trời nắng. Lá sẽ bị khô thủng ở những phần này. Bệnh phát triển, lây lan mạnh nếu điều kiện môi trường nóng và ẩm kéo dài.

Các loại thuốc thường dùng như Vicacben, Coc85, Dithane M45, ……

6. Bệnh rỉ sắt:

Nguyên nhân do Nấm: Phragmidium mucronatum

Lớp Nấm đảm: Basidiomycetes

Triệu chứng

Bệnh hại chủ yếu trên lá, đôi khi có trên cành non. Vết bệnh là những đốm nhỏ màu vàng cam hơi đỏ, xung quanh có viền nhạt màu. Đốm bệnh nổi lên trên có lớp bột màu vàng. Bị năng, nhiều đốm bệnh chi chít mặt dưới lá, làm lá vàng và rụng sớm. 

Trên cành bệnh làm cành teo tóp lại, chồi phát triển kém và có thể héo khô. bệnh này không ảnh hưởng lắm tới sinh lý của cây, nhưng nó làm cho lá quang hợp kém và rụng sớm. Trời nóng và ẩm độ cao bệnh càng phát triển mạnh.

Ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ mầu mầu nâu, sau đó vết bệnh cứ lớn dần lên như hạt tấm, hạt mè…(đa số vết bệnh có kích thước khỏang trên dưới 2 ly), hình tròn hoặc hình bầu dục, đôi khi vết bệnh cũng có kích thước khỏang 4-5 ly . 

Đa số vết bệnh nằm trong phiến lá, tuy nhiên thỉnh thỏang cũng có những vết nằm ở ngòai mép lá, gặp trường hợp này vết bệnh chỉ còn lại là nửa hình tròn. Vết bệnh có mầu đỏ nâu, nhìn giống như mầu của sắt rỉ. Vết bệnh thể hiện ở cả mặt trên và mặt dưới của lá cây mai, xung quanh vết bệnh bao giờ cũng có một quầng vàng nhỏ bao quanh, nếu soi lên ánh sáng thì những quầng vàng này thể hiện rõ hơn.

Khác với những bệnh mà chúng ta thường gọi là bệnh rỉ sắt hại trên một số cây trồng khác như bệnh rỉ sắt cà phê, bệnh rỉ sắt đậu đỗ, bệnh rỉ sắt hại ngô…thường bao giờ vết bệnh cũng nổi lên một cục u, bên trong những cục u này có chứa một khối bột mầu gạch non (giống như mầu của sắt rỉ), thì trên vết bệnh “Rỉ sét” của cây mai vàng không có những cục u và những khối bột mầu gạch non này, mà chúng vẫn phẳng bình thường như mặt phẳng của phiến lá.

Bệnh hại nặng mà không tìm biện pháp chữa trị kịp thời sẽ làm cho bộ lá của cây mai mất dần mầu xanh vốn có của nó, rồi chuyển dần sang mầu vàng, diệp lục tố bị mất dần, ảnh hưởng đến qúa trình tổng hợp bình thường của cây, làm cho cây mai mất sức, yếu ớt. Bệnh thường chỉ xuất hiện và gây hại nhiều trong mùa mưa.

Điều kiện phát triển bệnh

Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 32 - 35oc. Bệnh thường gây hại nặng giai đoạn đầu và giữa mùa mưa.

Biện pháp phòng trừ

  • Tỉa bỏ các cành lá bệnh tập trung tiêu huỷ. Bón lân và kali tăng sức chống bệnh cho cây. Tưới nước vừa phải.
  • Không nên trồng hoặc đặt các chậu mai qúa gần sát nhau, tạo cho vườn mai luôn thông thóang. Liếp trồng mai, hoặc liếp đặt chậu mai nên thiết kế theo hình mai rùa để thóat nước tốt mỗi khi có mưa. Kê đặt chậu mai cao để tránh cho cây mai bị úng nước trong mùa mưa.
  • Khi bước vào mùa mưa nên kiểm tra vườn mai thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn bệnh kịp thời. Khi phát hiện có bệnh có thể sử dụng một trong những lọai thuốc sau đây để phun xịt: COC 85WP; Vidoc 30WP ; Vidoc 80BTN; hoặc Vidoc 50HP; Batocide 12WP Viben-C 50BTN. Về liều lượng và cách sử dụng thuốc nên đọc kỹ hướng dẫn mà nhà sản xuất đã có in trên nhãn thuốc.
  • Khi bị bệnh nặng có thể phun một trong những loại thuốc sau: Bayfidan, Score, Anvil, Bumber, Carbendazim.

7. Bệnh Nấm hồng:

Bệnh nấm hồng do một loại nấm ký sinh gây ra. Ban đầu vết bệnh chỉ là đốm nấm màu hồng (hơi giống màu đỏ hồng), xuất hiện trên cành mai, sau đó vết bệnh cứ phát triển rộng dần ra bao quanh hết cả đoạn cành, đồng thời cũng phát triển lên cả phía trên và phía dưới của chỗ bị bệnh, làm cho vết thương không chỉ bao kín hết chu vi của cành mà còn phát triển dài thêm.

Khi vết bệnh đã bao quanh kín hết cả một đoạn cành thì đa số những lá mai phía trên chỗ bị bệnh sẽ có màu vàng, xanh loang lổ, rồi bị rụng dần, khúc cành phía trên chỗ bị bệnh trở nên khô nứt, giòn dễ gẫy. Nếu không phát hiện sớm và phun thuốc phòng trị kịp thời thì có khi lên đến vài chục phần trăm số cành bị hại, làm cho cây xơ xác, vụ ra bông năm sau sẽ không đẹp.

Bệnh chỉ tấn công trên những cành nhỏ cỡ chân nhang cho đến cỡ cây đũa ăn cơm, ít khi gây hại ở những cành lớn hoặc trên thân, nếu như cây được phun xịt thuốc kịp thời. Nhưng vì những cành nhỏ này lại là cành mang bông cho vụ sau nên nếu để nhiều cành bị hại cây sẽ có ít bông và bông không đẹp, bông nhỏ, rất khó bán và bán không được giá.

Thực tế cho thấy bệnh thường gây hại nhiều hơn trong mùa khô, khi mùa mưa xuống bệnh bớt dần.

Kiểm tra vườn mai thường xuyên (nhất là vào mùa khô) để phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn bệnh kịp thời. Khi phát hiện có bệnh có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: COC 85WP; Vidoc 30WP; Vidoc 80BTN; hoặc Vidoc 50HP; Batocide 12WP Viben-C 50BTN… để phun xịt, nếu vườn thường bị bệnh này thì trong mùa khô (là mùa thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển) nên phun xịt định kỳ khoảng một tuần lễ một lần. Về liều lượng và cách sử dụng thuốc các bạn có thể đọc kỹ hướng dẫn mà nàh sản xuất đã có in trên nãhn thuốc.

Thường xuyên thu gom những cành đã bị bệnh không thể phục hồi được đem tiêu huỷ. Khi cắt nhớ cắt sâu thêm vào bên trong chỗ vết bệnh khoảng vài phân để phòng nấm bệnh còn sót lại trên cành tiếp tục phát triển lây lan sang các cành khác hoặc các cành non sắp ra sau này.

Nhìn chung, đối với bệnh trên cây mai vàng nên phòng ngừa là chính, đừng để cho bệnh xuất hiện ra bên ngoài rồi mới trị, vì lúc này nó đã gây hậu quả và bộ lá sẽ rụng sớm hơn bình thường. Nên định kỳ 10 đến 15 ngày phun phòng ngừa một lần vào đầu mùa mưa.

Lưu ý: Vào mùa mư, một số thuốc dễ bị rửa trôi, cho nên trong quá trình phun thuốc cần pha them chất bám dính để giúp cho thuốc bám tốt trên lá, và tăng cường hiệu lực của thuốc.