Việc hoa mai nở đúng dịp tết quyết định sự sống còn của người trồng mai chơi tết.
Để có một chậu mai hoa nở to, đều đẹp và
đúng dịp như ý muốn, Hoa mai Bình Định xin chia sẽ đến các bạn các yếu tố ảnh
hưởng đến việc ra hoa của cây mai, hiểu được bạn sẽ áp dụng để chăm sóc cho cây
mai vàng mình nở đúng dịp tết Nguyên Đán.
Có nhiều yếu tố ảnh
hưởng tới ngày ra hoa của cây cối vùng nhiệt đới, trong đó ba yếu tố quan trọng nhất là (i) Nhật quang kỳ ( Quang chu kỳ) số giờ kể từ lúc mặt trời ở dưới chân trời 6º khi
bình minh (tức rạng đông) và hoàng hôn (tức chạng vạng), thông thường là thời
gian từ lúc mặt trời mọc tới mặt trời lặn + 7 phút tới 30 phút, (ii) Nhiệt độ, và (iii) Yếu tố nước và ẩm độ không khí (khô hạn, mưa). Ba yếu tố này có ảnh
hưởng hỗ tương rất phức tạp.
Ảnh hưởng của Nhật quang kỳ - Quang chu kỳ (photoperiod)
Trái đất quay quanh mặt
trời nên có ngày và đêm. Trục trái đất cũng nghiêng ngả định kỳ một góc 23º 48’
nên tạo ra ngày dài ngắn khác nhau theo mùa.
Tại Xích đạo, ngày và
đêm dài bằng nhau, suốt năm.
Ở các vĩ độ Bắc, vào
ngày Xuân phân (21/3) và Thu phân (21/9) ngày và đêm dài bằng nhau (12 giờ).
Sau Xuân phân ngày dài dần (hơn 12 giờ) đến tối đa vào ngày 21/6 Hạ chí. Sau Hạ
chí ngày ngắn dần, và vào Thu Phân ngày và đêm dài bằng nhau, và ngày ngắn nhất
trong năm xảy vào 22/12 Đông chí. Sau ngày này, ngày bắt đầu dài lại.
Cây mai tứ quý (O. atropurpurea) ra hoa quanh năm, không bị
ảnh hưởng của nhật quang kỳ.
|
Sự ảnh hưởng của chu kỳ sáng đến việc ra hoa của thực vật ngày ngắn và ngày dài |
Ngược lại, cây mai
vàng ngày Tết (O. integerrima) thuộc
loại đoản quang kỳ, chỉ phát động việc ra hoa khi gặp ngày ngắn. Nó không phát
động việc ra hoa khi gặp ngày dài. Khi ngày bắt đầu ngắn dần, đến một số giờ ngắn
nào đó, cây bắt đầu phát động việc ra hoa, qua việc sản xuất các chất hormones
ra hoa, tế bào sinh dục được tạo khối ở nách lá gọi là khối sơ khởi tạo hoa
(primordium initiation). Số giờ của thời gian ban ngày bắt đầu phát động sinh
khối sơ khởi tạo hoa gọi là nhật kỳ tới hạn (critical photoperiod), trên số giờ
này cây không phát động việc ra hoa. Như vậy, nhật kỳ tới hạn của Mai Vàng là
bao nhiêu giờ/ngày?
Chưa có một nghiên cứu
nào về vấn đề này cho cây Mai vàng. Tôi chỉ dựa vào ngày dương lịch, ngày có
hoa đầu tiên nở trên cây dọc theo vĩ tuyến để ước tính. Theo tôi ước đoán, nhật
kỳ tới hạn của mai vàng khoảng giữa từ 11giờ 00 phút đến 11 giờ 24 phút, tức
khoảng ngày 1/11 dl ở vùng Sài Gòn, 20/11 dl ở Miền Trung, và 5/1 dl ở vùng Hà
Nội và Honolulu (Hawaii, USA).
Biến đổi thời gian
ban ngày (giờ. phút) theo vĩ độ Bắc
Ảnh hưởng của nhiệt độ.
Nhiệt độ có cộng hưởng
với chu kỳ sáng với ảnh hưởng rất phức tạp. Nhiệt độ có ít nhất 3 ảnh hưởng:
(i) Ảnh hưởng hỗ tương với ngày ngắn.
Mặc dầu hội đủ nhật kỳ tới hạn, cây mai không thể phát động ra khối sơ khởi nếu
gặp nhiệt độ lạnh, có lẽ khoảng <8
ºC.
(ii) Làm lá rụng ở một số loài cây
(deciduous)
(iii) Giúp tăng trưởng khối tế bào sơ
khởi để thành nụ hoa. Nhiệt độ gia tăng càng cao (đến tối đa khoảng 32ºC), thời
gian từ khối sơ khởi đến nở hoa càng ngắn, trung bình khoảng 35 ngày ở 32ºC, đến
70 ngày ở 12-15 ºC.
Ảnh hưởng của thiếu nước – hạn hán (water
stress)
Thời gian hạn hán là
yếu tố rất quan trọng cho cây thân mộc vùng nhiệt đới phát động tạo khối sơ khởi
phát hoa. Yếu tố hạn hán cũng hỗ tương với nhật quang kỳ và nhiệt độ (như cây
cao-su, Hevea brasiliensis). Cây ăn trái của VN phần đông nằm trong nhóm này để
phát hoa. Phải có một thời gian hạn hán (thiếu nước mưa, ẩm độ không khí thấp,
từ tháng 12 đến tháng 4 dl) cây ăn trái mới ra hoa nhiều khi có mưa vào tháng 5
hay 6 dl. Thiếu nước cũng làm lá rụng ở một số loài cây. Yếu tố hạn hán không
quan trọng mấy ở cây mai vàng, vì thời kỳ phát động tạo khối sơ khởi xảy trước
mùa khô hạn.
Ảnh hưởng của lặt lá
Lá rụng theo mùa
(deciduous) là hậu quả ảnh hưởng hỗ tương của nhật quang kỳ, nhiệt độ, và/hay hạn
hán. Lá rụng cũng giúp tạo khối tế bào sơ khởi của nụ hoa. Ngoài ra, khi cây
mai đã có nụ hoa, lặt lá giúp hoa nở rộ đồng bộ trên cành.
Triều cường cao nhất
trong 48 năm xảy ra từ 26/10 đến 29/10/2007 gây ngập lụt các vườn mai vàng vùng
Sài Gòn, Gia định, Bình Dương, Biên Hòa, làm lá mai vàng úa và rụng trụi lủi. Sự
kiện tác hại của triều cường gây ra rụng lá (được xem như lặt lá) lại trùng hợp
với ngày phát động tạo khối sơ khởi hoa mai, nên hoa mai vùng Sài Gòn nở sớm
hơn năm bình thường khoảng 3 tuần lễ, làm thất thu cho nhà vườn rất lớn.
Chậu hoa mai có bông
nở rộ trong dịp Tết bán mới có tiền. Vì sự phát triển từ khối sơ khởi đến nở
hoa, tùy thuộc vào dinh dưỡng, nước tưới, quan trọng nhất là nhiệt độ. Vì vậy,
để hoa nở đúng dịp Tết, thời điểm lặt lá mai rất quan trọng, lại tùy thuộc vào
thời tiết vốn thay đổi theo vĩ tuyến.
Tại vùng Sài Gòn (vĩ
độ 10 ºN), thường lặt lá khoảng 15 ngày trước Tết; tại Nha Trang (vĩ độ 12 ºN)
15 – 30 ngày; Phú Yên (13 ºN), Bình Định (13.80 ºN) 20- 30 ngày; tại vùng Hà Nội
(20 ºN) 30 đến 45 ngày; ở Florida (25 ºN) 30-45 ngày; Houston, Oklahoma (29-32
ºN), 30 đến 50 ngày; và San Jose (37 ºN), 50-60 ngày trước Tết ta.
Để dễ nhớ, có lẽ công
thức đơn giản sau đây giúp phỏng đoán được ngày lặt lá mai để hoa nở rộ đúng Tết:
Số ngày lặt lá trước Tết =( Vĩ độ x 1.5) ± Vĩ độ/2
Vì lãnh thổ Việt Nam
chạy dài trên 15 vĩ tuyến (từ 8º 02' đến 23º 23' N), hoa Mai Vàng đầu tiên
không nở hoa cùng một thời điểm nếu không lặt lá.
Tại đồng bằng Cửu
Long, cây mai nở đầu tiên có khuynh hướng nở trước Tết ta từ 3 tuần đến 3 tháng,
tùy giống và thời tiết nóng hay lạnh trong mùa thu và mùa đông, năm nhuần hay
không nhuần. Tết ta thông thường phải sau ngày 21/1 dl ( dương lịch), và trước 19/2 dl, năm không
nhuần thường vào cuối tháng 1 hay đầu tháng 2 dl, còn năm nhuần thường giữa
tháng 2 dl). Vì vậy, nếu muốn chính xác phải tính ngày cái hoa đầu tiên (first
flower) trổ, theo dương lịch.
Thông thường, tại
vùng Sài gòn cho tới đồng bằng Cửu Long, mai nở bông đầu tiên khoảng từ 25/11
dl đến 25/12 dl, tùy theo giống và điều kiện thời tiết. Năm 2006 (năm bị ngập lụt
bởi triều cường trong tháng 10, cây mai rụng lá), hoa mai vàng bắt đầu nở khoảng
20/11 dl (tức 3 tháng trước Tết nguyên đáng, nhằm ngày 17/2/2007, năm nhuần âm
lịch). Năm (2009), tại vùng Bình Phước, Sài Gòn hoa mai vàng đầu tiên nở khoảng
ngày 10/12/2009, tức trước Tết Canh Dần (14/2/2010) 2 tháng.
Tại Miền Trung (Nha
Trang), hoa mai đầu tiên có khuynh hướng trổ vào khoảng hạ tuần tháng 1 dl ( dương lịch), đầu tháng 2 dl (tức gần cận Tết, hay ngày Tết), và lai rai
cho tới tháng 5 dl.
Tại Miền Bắc (vùng Hà
Nội), mai vàng nở hoa đầu tiên thường từ trung tuần đến hạ tuần tháng 2 dl, tức
sau Tết âm lịch (nếu năm không nhuần).
Cảm tạ:
Tác giả cảm tạ GS Tôn
Thất Trình (Hoa Kỳ) đã cung cấp tài liệu và cho ý kiến, Dr Nguyễn Ngọc Bình
(Hoa Kỳ), ThS Nguyễn Thế Thiệu (Hoa Kỳ), KS Nguyễn Thị Mỹ (Hoa Kỳ), KS Nguyễn
Hoàng Long (Hoa Kỳ), KS Dương Hiển Hẹ (Hoa Kỳ), Ô Bà Đoàn Vân Anh (Hoa Kỳ), KS
Trần Quốc Dzũng (Việt Nam), KS Trần Giỏi (Việt Nam) và một số thân hữu đã cung
cấp thông tin về Hoa Mai Vàng ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại.