Trong dịp Tết Tân Sửu 2021 vừa rồi mình nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn gửi về chuyên mục hỏi đáp Hoa mai Bình Định là Tại sao mai lại rụng nụ, cây mai tự rụng nụ do đâu. Có nhiều mức độ rụng khác nhau, rụng ít hay rụng nhiều. Thậm chí có bạn cây mai mới mua về chơi, cây mai đã rụng nụ trước khi nở, tức là khi cây còn búp xanh mai đã rụng, mỗi sáng thức dậy là quét nguyên một lớp nụ rụng dưới chân chậu. vậy điều gì đã xảy ra, nguyên nhân rụng nụ mai vàng xảy ra đâu. Xin mời các bạn cùng theo dõi bài viết bên dưới.

Qúa trình rụng nụ xảy ra như thế nào?

Cơ chế của quá trình rụng hoa, rụng quả đã được một số tác giả nghiên cứu, Các bạn có thể xem thêm bài viết tại đây:

>> Hóa ra đây là bí quyết giữ cho hoa mai lâu tàn: Chăm sóc chỉ là một phần, cân bằng Hormone tăng trưởng mới là điều quan trọng

Ta có thể hiểu một cách đơn giản, rụng là một quá trình sinh lý dẫn tới sự tách rời một cơ quan như lá, hoa, quả khỏi thân cây. Quá trình này do các hormone điều khiển, làm phân huỷ tế bào tạo thành một tầng rời tại một vùng đặc biệt gọi là vùng rụng (vùng này thường ở gốc cuống). Các hormone trong cây tạo thành tầng rời là acid Abscisic (AAB) và Ethylen.

Dưới đây là các nguyên nhân rụng nụ mai vàng:

Do giống mai phẩm chất kém khiến mai vàng tự rụng nụ

Có nhiều giống mai không đạt năng suất, khi cây chuẩn bị nở hoa thì búp đã rụng hết trước khi nở (rụng hàng loạt và rụng số lượng rất nhiều), mình khuyến khích các bạn không nên giữ lại mà những cây mai này bạn có có thể xử lý bằng cách ghép với những giống mai đạt năng suất và cho ra giống mai có phẩm chất đẹp, hoa không rụng. Bởi vì tình trạng rụng này có thể tiếp diễn ở các mùa hoa sau.

Có nhiều giống cúc mai có hiện tượng rụng sau khi cây dựng búp xanh, hiện tượng rụng này sẽ tiếp diễn ở những mùa bông sau, tỷ lệ rụng có thể lên đến 40-50%.

Do sâu bệnh hại, dẫn đến rụng cuống hoa mai

Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng hormone gây sự rụng cho hoa mai, sâu hại cũng là một nguyên nhân dẫn đến rụng nụ trên mai vàng, sâu non thường đục phá phần cuốn hoa khiến cho nụ hoa mất khả năng phát triển và rụng nụ. để giải quyết cho vấn đề này các bạn cần theo dõi nụ mai thường xuyên và phun các loại thuốc đặc trị cho các loại sâu non này.

Hoa ra quá sai cũng là một nguyên nhân gây rụng nụ mai:

Sức chịu đựng của cây mai có hạn, đặc biệt trong điều kiện bất lợi (nhiệt độ thấp, thừa ẩm dài ngày) sẽ làm cho bộ rễ thường xuyên phải chịu một áp lực nuôi thân, cành, lá… đấy là chưa kể đến tình trạng bộ rễ bị nghẹt, thừa ẩm, thiếu oxi thì khả năng rụng hoa còn khó kiểm soát hơn rất nhiều (vì khi mưa nhiều, đất thừa ẩm khả năng thiếu oxi trong đất luôn luôn ở tình trạng cao nhất).

Do đó việc hình thành tầng rời để loại bớt một phần “cơ thể” để duy sức sống, sự tồn tại của cây cũng là điều bình thường theo quy luật thích nghi của thực vật hai lá mầm nói chung.

Thời tiết bất lợi cũng dẫn đến sự rụng nụ mai:

Trong nước mưa thường có hàm lượng acid nhất định(H+),ngoài ra mưa acid làm cho Canxi trong tế bào tầng rời giảm mạnh (chúng bị hòa tan, bị di chuyển thành những ion linh động). Mà Canxi là một nguyên tố dinh dưỡng trung lượng quan trọng cần bổ sung và không thể thiếu ở thời kỳ ra hoa đối với bất kỳ thân gỗ nào.

Gây phát sinh nhiều mầm lộc, mầm lộc có thể phát triển nhiều vị trí khác nhau từ đầu cành đến thân cành cấp 1-2-3. Trong nước mưa ít nhiều thường có NO3-(đạm trời), loại này hấp thu qua rễ và lá rất nhanh khiến cây ra khá nhiều lộc. Cây đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả mà phát sinh nhiều mầm lộc ắt sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng, khi đó cây ưu tiên nuôi lộc và việc hình thành tầng rời cuống gây rụng hoa là điều tất yếu.

Thời tiết lạnh còn làm các cành mẹ ngủ sâu, hoa ra muộn, cộng thêm nhiều lộc sẽ làm cho hoa nhỏ và không đều (có thể trên 1 cành hoa ra nhiều mầm nhưng thường nhỏ, cành mang ít hoa sẽ to hơn).

Thời tiết âm u kéo dài, thiếu ánh sáng sẽ làm cho “độ mở” của khí khổng giảm, như thế quá trình hấp thu khí CO2 của cây bị cản trở. Tất cả những điều này sẽ làm giảm hiệu suất quang hợp của cây.

Khi hiệu suất quang hợp giảm sẽ kéo theo quá trình vận chuyển, tích lũy dinh dưỡng về cơ quan dự trữ (hoa, quả) giảm theo làm cho hoa thiếu dinh dưỡng cục bộ gây ra hiện tượng chậm hoặc ngừng sinh trưởng quả từ đó góp phần tạo nên hiện tượng rụng hoa mai.

Khi điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi như mưa ẩm kéo dài, thời tiết âm u, thiếu ánh sáng sẽ thúc đẩy quá trình hình thành “tầng rời” làm cho cuống hoa “teo lại” dẫn đến hoa rụng hàng loạt, rất khó kiểm soát.

Khi gặp các điều kiện bất lợi về thời tiết, dinh dưỡng, sâu bệnh… thì “tầng rời cuống”  hình thành, thúc đẩy quá trình rụng hoa. Tùy theo điều kiện thời tiết, sức sinh trưởng của cây mà hiện tượng rụng hoa, quả non diễn ra sớm hay muộn, mức độ nhiều hay ít…dẫn đến hình thành tầng rời cuống gây rụng.

Khi mưa ẩm kéo dài, ngoài việc acid trong mưa có sẵn (tùy từng vùng, pH thường 5,4-5,7) ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của hạt phấn và độ bám dính của nhụy thì hơi nước kết hợp khí CO2 cũng hình thành acid yếu H2CO3. Acid này yếu nên tiếp tục bị phân ly cho ra H+ và gốc CO32- ảnh hưởng liên tục đến cấu trúc hoa, gây teo cuống, tạo ra cấu trúc lỏng lẻo của tầng rời, các tế bào bão hòa nước, no nước cũng làm giảm tính gắn kết giữa chúng do lượng pectatcanxi giảm (đặc biệt nhóm tế bào tầng rời cuống).

Thiếu dinh dưỡng, bón phân, tưới nước không hợp lý cũng làm rụng nụ mai

Kinh nghiệm chăm mai cho thấy rằng tưới nhiều nước cũng là một nguyên nhân dẫn đến rụng nụ trên cây mai vàng. Vì vậy sau khi cây bung vỏ lụa bạn hạn chế tưới nước nhiều cho cây mai, tuy nhiên cũng phải duy trì một lượng nước vừa phải cho cây phát triển.

Nếu thừa đạm, cây sẽ kéo dài thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, ức chế thời gian ra hoa. Bón kali cân đối với đạm sẽ giúp cây ra hoa thuận lợi. Khi cần cây ra hoa đúng lúc, cần điều khiển chế độ nước phù hợp, có thể để cho cây lâm vào tình trạng hạn hán để điều chỉnh tỷ lệ N/chất xơ hay N/Carbon hợp lý thì cây cũng có thể ra hoa được thuận lợi. Đối với cây trung tính, rất dễ ra hoa nếu chế độ nhiệt và dinh dưỡng phù hợp.

Hiện tượng rụng sinh lý hoa còn liên quan đến vấn đề mất cân đối dinh dưỡng, thiếu trung vi lượng (Ca, Mg, B, Zn). Phần lớn cây mai thường thiếu Ca, Bo, Mg, Zn. Cách khắc phục là trong giai đoạn nụ đã thành thục các bạn sử dụng các loại phân bón chứa Siêu Bo-Zn để làm hình thành tầng rời giúp cuống hoa mai dai, chống rụng nụ và giữ được mai lâu tàn.

Như vậy có nhiều yếu tố liên quan đến sự rụng. Trước hết là do sự hoá già của bộ phận cây như lá, hoa, quả. Khi các bộ phận này đã già thì khả năng hoạt động bị giảm, sức sống kém nên phải rụng đi. Khi thiếu nước và chất dinh dưỡng, một số bộ phận cũng phải rụng để tập trung dinh dưỡng cho bộ phận còn lại. Ngoài ra, các yếu tố ngoại cảnh bất lợi khác như nhiệt độ thấp hoặc cao quá dẫn đến khô hạn hoặc úng đều làm tăng hàm lượng AAB và Ethylen trong cây dẫn đến sự rụng.

Vì vậy, để hạn chế sự rụng các bạn cần cung cấp đủ dinh dưỡng và nước, phòng ngừa các điều kiện bất lợi với cây. Phun các chất kích thích sinh trưởng Auxin, Cytokinin cũng có tác dụng hạn chế sự rụng cho cây mai.

Hoa Mai Bình Định hy vọng với chia sẽ trên sẽ giúp các bạn biết được vì sao mai rụng nụ, và giúp cho các bạn có hướng giải quyết cho cây mai của mình bị rụng nụ do một trong các nguyên nhân rụng nụ mai vàng đã liệt kê ở trên.

Có thể bạn cũng muốn xem:

Tags: Tại sao cây mai bị rụng nụ,Rụng nụ là gì, Tại sao mai lai rụng nụ, Cây mai tự rụng nụ, Bài thuốc xử lý mai không rụng, Nguyên nhân rụng nụ mai vàng, Chống rụng bông mai, Thuốc xịt chống rụng hoa mai

Hoa Mai Tết Bình Định