Trước đây Nha Trang nổi tiếng về mai vàng. Có hai khu vực hiện nay tuy không còn mai nở vàng vào mùa xuân nhưng vẫn còn lưu lại trong lòng những người lớn tuổi đã từng sống trên Xứ Trầm Hương, cảnh hoa mai nở đẹp trong mùa Xuân... Đó là đồi mai Trại Thủy và rừng mai Phước Hải.
"Cọp khánh hòa, ma Bình Thuận", Khánh Hòa xưa "Chúa Sơn Lâm" cai trị
Ảnh: Săn cọp Khánh Hòa (baophapluat) |
Hòn Trại Thủy là một núi đất lẫn sỏi cùng những tảng đá hoa cương to lớn. Trên sườn núi những khóm mai cổ thụ mọc chen chúc giữa các tảng đá, cành lá sum suê. Khi xuân về hoa mai nở vàng cả núi.
Hết mùa hoa mai, lá mai đậm và láng bao phủ núi một màu xanh lặc lìa và anh ánh. Sang đông lá mai rụng hết, cảnh núi trở nên xanh xám, in những nét đen nhạt của những cành mai khúc khuỷu, những cội u nần của những khóm mai già rẳn rỏi. Cảnh sắc mùa nào cũng đẹp đẽ, nên thơ.
Do đó núi còn có tên nữa là Hoàng Mai Sơn. Thêm nữa vì do hình dáng núi giống hình một con dơi nằm sải cánh, đầu hướng về Nam và trên núi có những tảng đá hoa cương lóng lánh dưới ánh mặt trời. Cổ nhân vịnh Hoàng mai sơn có câu:
Hoàng Mai sơn hạ La Phù mộng
Ngọc Bức danh trung Hiệp Phố tình
(Dưới núi Hoàng Mai chợp được giấc mộng La Phù; Trong tiếng Ngọc Bức, có ngậm chứa tình Hiệp Phố)
Giấc mộng La Phù nhắc ta nhớ đến câu chuyện của nhà thơ Triệu Sư Hùng mùa xuân đi lạc vào rừng mai nơi núi La Phù gặp được giai nhân cùng uống rượu ngâm thơ, ngắm mai vàng nở trong rừng tuyết và nghe đàn sáo giữa rừng hương mai.
Thi nhân say rượu ngủ thiếp đi và khi tỉnh giấc thì thấy mình đang nằm ngủ dưới một cội mai hoa nở đầy cành và có đôi chim oanh đang tỉa lông cho nhau.
Người đời sau gọi giấc mộng ngủ dưới hoa mai gặp người đẹp là giấc mộng La Phù. Chưa có thi nhân nào được diễm phúc dạo chơi dưới mai trên Hoàng Hoa sơn gặp được giai nhân, nhưng có rất nhiều người thích ngắm hoa mai nở trong nắng xuân đã từng dừng bước trên đỉnh núi mai đẹp này.
Cách núi Hoàng Mai sơn độ một cây số còn có một rừng mai có tên là rừng mai Phước Hải. Mùa xuân nơi đây hoa mai nở vàng khắp vùng. Hoa mai ở đây khác với hoa mai trên núi Hoàng mai. Mai trên núi là một loại mai trộn lẫn giống mai núi với mai rừng. Cánh hoa mai có nhiều tầng, nhụy hoa phơn phớt đỏ lẫn với sắc vàng cố hữu của nhụy hoa mai vàng.
Hương mai nồng đượm nên hưong mai từ núi cao thường bay thoảng khắp bầu trời Nha Trang. Trong đêm ba mươi Tễt, du khách đứng trên tháp Bà thường nghe thoảng trong gió mùi hương của nhang, trầm lẫn với hương nhẹ cả hương mai thoảng đến.
Rừng mai Phước Hải mọc thành từng đám, thuộc loại mai biển nên cánh hoa thường to lớn, chỉ có một tầng và hoa đơm đầy cả nhánh, cành. Hương hoa thoảng chớ không nồng. Tuy nhiên vì hoa nở kín cả rừng nên hương mai cũng theo gió lan xa như hòa cùng với hương mai rừng nơi Hoàng Mai sơn.
Trước kia rừng mai Phước Hải là một vùng hoang vắng ít người lai vãng và thường có dáu vết cọp từ núi Đồng Bò xuống Cho nên nhà thơ Thuần Phong Trần Khắc Thành có câu:
Mã Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt
Phước Hải xuân về cọp thưởng mai
Nhân dân trong các tỉnh lân cận Khánh Hòa thường truyền tụng: “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận” và trong tỉnh Khánh Hòa lại còn có câu: “Cọp Ổ Gà, Ma Đồng Cháy” như thế chứng tỏ rằng Khánh Hòa có nhiều cọp cũng có nhiều ma, song ma không nhiều bằng cọp. Còn vùng Phước Hải xưa kia là một rừng mai vàng. Khi rừng mai còn rậm, cọp ở núi Huỳnh Ngưu tức Đồng Bò, thường xuống tìm mồi.
Để nói lên cảnh thơ mộng và vắng vẻ về mùa xuân của Nha Thành trước đây. Mai ở rừng mai Phước Hải hằng năm đều bị khách Nha Thành chặt về cắm bình đón Tết. Tuy nhiên rừng mai không bị tàn phá cho đến khi có cuộc di cư năm 1954 vùng Phước Hải được quy hoạch thành một khu phố có tên là khu phố mới thì các khóm mai được thay bằng các dãy nhà đơn sơ và thay đổi theo thời gian để hôm nay trở thành một khu phố khang trang.
Mai trên núi Hoàng Mai sơn bị hủy diệt trong cuộc chiến tranh giữa hai nhà Nguyễn Gia miêu và Nguyễn Tây sơn. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của phong trào Cần vương Khánh Hòa, Hoàng Mai sơn lại bị chiến tranh hủy hoại khi giặc Pháp tấn công nghĩa quân do Bình Tây đại tướng quân Trịnh Phong trấn đóng trên núi Hoàng Mai. Giặc Pháp đã dùng thuốc súng đốt phá toàn thể cây cối trên núi.
Mai vàng đã tuyệt chủng từ đấy. Hiện nay, người dân Nha Trang mỗi khi đón Tết phải đến tận các thôn ngoại ô thành phố hoặc đến tận huyện Diên Khánh, Cam Lâm và các ven rừng để mua mai.
Nơi thôn xóm ngoại ô thành phố hiện nay vẫn còn những khóm mai cao tuổi được các nghệ nhân thích chơi hoa mai vun tưới chăm sóc, ngập tràn hoa mỗi lúc xuân về. Đó là các khóm hoa mai sống trong thôn xóm cùng với sự chăm sóc, được bón phân, tưới nước hằng ngày để khi xuân đến lại nở hoa vàng thằm cùng đón xuân với con người.
Ngày xưa mai mọc trên núi trong rừng, ven biến thành rừng, thành bãi. Ngày nay mai được chăm sóc trong vườn, trong chậu, được uốn nắn theo nhiều kiểu dáng hợp thời. Tuy nhiên có một nơi, còn một khóm mai có nguồn gốc của mai Hoàng Mai sơn. Đó là khóm mai mọc trên một hải đảo cận kề dãy núi Cù Lao. Khóm mai này không biết mọc nơi hải đảo khi nào, chỉ được biết rằng khóm mai này được phát hiện từ năm 1960. Khi đó khóm mai này đã là một khóm lão mai.
Người phát hiện ra khóm lão mai này đã chăm bón cho đến hôm nay là nhà sư Thích Viên Mãn trụ trì chùa Từ Tôn trên hải đảo Hòn Đỏ.
Khóm mai này mọc ngay trên đỉnh đảo nhìn xuống bến đò. Chung quanh không một bóng cây, cành không khẳng khiu như các cây lão mai mà ta đã từng thấy, nhưng hoa lại đặc biệt giống hệt loại mai sống trên núi Hoàng Mai: sắc vàng tươi thắm và hương thơm dịu dàng.
Một điều kỳ lạ nữa là khóm mai trên đảo Hòn Đỏ không nở hoa vào mùa xuân như các loại mai khác trên khắp vùng trời Việt Nam.
Khóm mai trên đảo Hòn Đỏ không nở vào mùa xuân mà lại nở vào đầu mùa Hạ. Đầu tháng tư âm lịch thì mai tự nhiên rụng lá và đến ngày rằm tháng tư thì hoa nở vàng đầy cành. Hoa nở đúng vào ngày Phật Đản. Nở được 10 ngày thì hoa tàn dần và còn để lại các nụ hoa héo trên cành.
Người viết bài này chưa được trông thấy khóm mai nở hoa vào ngày Phật Đản mà chỉ nghe vị sư già Thích Viên Mãn kể lại. Mong rằng ngày rằm tháng tư năm nay có được thiện duyên ngắm khóm mai vàng nở muộn vào cuối xuân.
Hoa Mai Tết Bình Định
Cùng chuyên mục:
- “Mả vòng đêm vắng ma trêu nguyệt, Phước Hải xuân về cọp thưởng mai”: Hóa ra Khánh Hòa xưa kia có cảmột rừng mai
- Tháng 10 “nàng mai”đã “đứt bóng” – và nở hoa, kéo dài thời gian “thoi thóp” của lá chỉ là hư vô
- Chế tác hòn non bộ phải thuận theo thuật ngũ hành - âm dương, không phải làm theo sở thích của mình làđược
Tags: Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận, rừng mai Phước Hải, Mả vòng đêm vắng ma trêu nguyệt Phước Hải xuân về cọp thưởng mai, đồi mai Trại Thủy, xứ trầm hương