Hiện nay rất nhiều bạn đang nhầm lẫn giữa cây mai vàng thiếu các nguyên tố vi lượng và việc cây đang bị tổn thương do bất kỳ một yếu tố nào đó như cây đang bị ổn thương hệ rễ (bao gồm cả tác nhân gây bệnh cũng như cách chăm sóc, thừa nước,…), hay cây mai đang bị bệnh do các loại nấm bệnh, truyến trùng gây ra, hoặc đơn giản hơn về điều kiện PH đất đai không tốt dẫn đến cây mai bị vàng lá cho nên các bạn cứ nghĩ là cây đang có biểu hiện giống như đang thiếu vi lượng.

Trong chuyên đề này hoamaixunau sẽ chia sẽ đến các bạn cách nhận biết cây mai đang thiếu các nguyên tố vi lượng, sử dụng phân bón lá vi lượng cho cây mai như thế nào cho hợp lý, xin mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

Cách phân biệt lá mai vàng do thiếu vi lượng, do bệnh hư rễ và do các bệnh lý khác

Cây Mai bị vàng lá do thiếu vi lượng:

Mai vàng lá có xu hướng đối xứng nhau trên mặt lá. Thường bị cả cành, lá này vàng tương tự lá kia. Riêng thiếu Mo thì các đốm chết tập trung quanh gân chính (đốm chết xuất hiện vì đề kháng cây yếu bị nấm khuẩn tấn công vào nơi đó).

Biểu hiện cây mai bị thiếu vi lượng
Biểu hiện cây mai bị thiếu vi lượng

Cây Mai bị vàng lá do tổn thương rễ, thối rễ

Các bạn quan sát màu của gân lá. Nếu thấy cây mai chậm phát triển, gân lá hơi vàng so với bình thường thì nghĩ ngay đến vàng lá do tổn thương hệ rễ, thối rễ. Khi gân  lá mai bị vàng thường kéo theo màu lá cũng hơi vàng (vàng nhạt).

Đọt non mới nhú thường chỉ có 3 hoặc dưới 3 đọt trên 1 cụm đọt non trong khi cây bình thường sẽ có nhiều hơn. Bệnh nặng hơn lá sẽ có biểu hiện vàng cả phiến và gân lá rất dễ để có thể nhận ra. Nặng hơn nữa lá già sẽ rụng, cây bị ức chế và có khi sẽ ra hoa.

Mai bị vàng lá tổn thương rễ rất dễ nhận biết. Bệnh sẽ khiến các đọt non bị biến màu vàng nhạt sau đó lan rộng dần theo thời gian. Khi mới phát bệnh, đọt non mới ra của cây sẽ có màu vàng nhạt sau đó bắt đầu vàng hẳn từ lúc lá bánh tẻ cho đến lá già rồi rụng. Cây bị bệnh nằm rải rác khắp vườn. Lá vàng theo từng cành sau đó lan rộng ra cả cây. Lá trên cây bị vàng cả phiến lá và gân lá do thiếu hụt cả nước và dinh dưỡng.

Mai vị vàng lá do tuyến trùng, nấm rễ, sâu đục thân.

Tuyến trùng gây hại sẽ làm tắc mạch dẫn của rễ, cản trở sự hút nước và dinh dưỡng khiến lá bị vàng và héo úa. Các vết thương từ tuyến trùng tạo ra sẽ mở đường cho nấm hại xâm nhập gây ra bệnh vàng lá thối rễ.

Cách nhận biết cây mai thiếu vi lượng
Hình ảnh tuyến trùng tạo nốt sần trên rễ cây mai

Tuyến trùng chui vào trong rễ mai, nằm bên trong và chích hút các tế bào trong rễ. Hình thức này làm cho các tế bào rễ trương phình, gây ra những nốt sần trên rễ nên người ta còn gọi nhóm tuyến trùng này là tuyến trùng nốt sần.

Tuyến trùng thường không gây chết cây ngay nhưng làm cho cây trồng không thể phát triển bình thường, làm cây thiếu sức sống. Bên cạnh đó, chúng tạo ra các vết thương trên rễ cây, “mở đường” cho các vi sinh vật có hại khác xâm nhập dễ dàng hơn, khả năng cây bệnh cao hơn. Ngoài ra, tuyến trùng còn có thể truyền virus gây bệnh cho cây.

Vàng lá thối rễ do cả nấm (như nấm hồng) và tuyến trùng gây hại sẽ làm vàng cả lá già, lá non và lá ngọn tùy theo vị trí cắn phá của tuyến trùng dưới rễ. Cây bị vàng lá do tuyến trùng gây hại cũng xuất hiện rải rác trong vườn nên khi có biểu hiện nghi ngờ cần xác định rõ trước khi xử lý bệnh để tránh tình trạng sai bệnh, sai thuốc.

Cách sử dụng phân bón lá vi lượng cho cây mai:

Có rất nhiều loại phân bón trên thị trường kết hợp 3 yếu tố Đa - Trung – Vi lượng (tức là NPK kèm theo TE), các bạn nên sử dụng loại phân bón này. Trong các sản phẩm này nhà sản xuất sẽ có công thức phù hợp, đảm bảo các yếu tố với hàm lượng hợp cho cây mai. 

Tuy nhiên nếu cần thêm vi lượng như Kẽm (Zn), Borac (Bo) hay trung lượng như Cacil (Ca) thì các bạn tìm những loại phân bón như Siêu Zn, Siêu Bo, Siêu Ca, trong những loại này nhà sản xuất sẽ kết hợp đầy đủ các yếu tố Đa Trung Vi lượng, hàm lượng yếu tố “Siêu” sẽ cao hơn đảm bảo yêu cầu cần thiết của cây trồng.

Hình ảnh cây mai bị thừa đạm
Hình ảnh cây mai bình thường (trái) và cây mai thừa đạm (N) (phải)

Trường hợp cây mai bị ngộ độc vi lượng phải làm sao?

Nếu trường hợp cây mai bị ngộ độc vi lượng thì có thể bón thêm vôi và lân. Việc bón vôi và lân giúp tăng pH, hỗ trợ giải độc cho cây trồng giảm khả năng ảnh hưởng của vi lượng. Tuy nhiên với các vi lượng là Molipden (Mo), Clo thì việc nâng độ pH lên sẽ có tác dụng ngược lại khiến cây bị ngộ độc nặng hơn do khi pH lên trung tính hoặc kiềm thì hoạt động của 2 vi lượng này càng mạnh hơn.

Ngoài sử dụng cách thủ công như tưới nước rửa trôi thì có 3 cách sau, các bạn có thể sử dụng để xử lý cây mai khi bị ngộ độc vi lượng.

Cách 1: Dùng hoạt chất có nguồn gốc hữu cơ để tưới/phun lên cây trồng, ví dụ như: Kali Humate, dịch rong biển dạng bột, Amino axit... các loại thuốc (hoạt chất) này giúp cây trồng đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, giúp đào thải chất độc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Lượng dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Cách 2: Dùng các chất giảm ngộ độc dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho cây như: Compound Nitrophenolate, Vitamin B1 (Thiamin), Auxin Diethyl Amimoethyl Hexanote (Cytokinin DA6)... Sử dụng các loại chất này để tưới/phun lên cây trồng giúp cây hồi sinh nhanh chóng, có thể tiếp tục sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh cho năng suất cao. Liều dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Cách 3: Kết hợp hoạt chất giải độc và hồi sinh cây trồng: Kết hợp Compound Nitrophenolate với dịch rong biển dạng bột hoặc kết hợp Cytokinin DA-6 với Kali Humate với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Nồng độ khuyến cáo sử dung dịch rong biển là pha loãng 1000 - 1200 lần, tương đương 10g/12 lít nước.

- Nồng độ thích hợp sử dụng Compound Nitrophenolate 98% là 6 - 10ppm, tương đương 6 - 10mg/L.

- Nồng độ thích hợp pha chế và sử dụng Auxin Diethyl Amimoethyl Hexanote (Cytokinin DA6 98%) là 5 - 20ppm, tương đương 5 - 20mg/L.

- Nồng độ phù hợp phun Vitamin B1 (Thiamin 99%) là 2 - 3 ppm, tương đương mg/L.

Tưới hoặc phun đều lên 2 mặt lá và thân cây, phun định kỳ 7 - 10 ngày một lần.

Tổng quan về các khoáng Đa – Trung – Vi  lượng cho cây mai bạn cần biết

Cách nhận biết cây mai thiếu vi lượng và cách sử dụng phân bón lá vi lượng cho cây mai
Biểu hiện thiếu dinh dưỡng trên cây trồng

Dinh dưỡng Đa Lượng: hay là Dinh dưỡng Chính gồm những chất mà cây trồng cần để phát triển, nhóm này gồm có 3 thành phần chính là: Đạm (N), Lân (P) và Kali (K).

Dinh dưỡng Trung Lượng: là nhóm mà thực vật cần một lượng vừa phải. Nhóm này gồm: Calci (ca), Ma nhê (Mg) và Lưu Huỳnh (S).

Dinh dưỡng Vi Lượng: là những chất mà cây cần một lượng nhỏ. Nhóm này gồm: Sắt (Fe), Đồng (Cu), Măng Gan (Mn), Bor (B), Molypden (Mo) …

Dinh dưỡng Đa Lượng:

Nitrogen (Đạm):

N cần được cung cấp lượng lớn vì N có mối quan hệ trong tất cả quá trình phát triển của cây, N là thành phần cấu tạo chủ yếu của protein thực vật, cũng như diệp lục tố, diệp lục tố có khả năng tiếp nhận năng lượng mặt trời để thực hiện quá trình quang hợp, đó là sự kết hợp CO2 từ không khí với nước để tạo đường, sau đó chuyển thành tinh bột và những cơ quan thực vật.

Do đó khi cây thiếu N lá sẽ có màu vàng vì thiếu diệp lục, sự tăng trưởng sẽ bị chặn đứng. N có tác dụng rõ ràng trong kích hoạt cây phát triển tươi tốt và khỏe mạnh.

Nguồn N chủ yếu là sulphate ammonia, urea, calcium nitrate, calcium ammonium nitrate, sodium nitrate, potassium nitrate, ammonium phosphate.

Lân (Phosphorus):

Giống như Nitrogen, Phosphorus cũng liên quan đến quá trình phát triển của cây, và là thành phần của nhân tế bào, phosphorus cần thiết trong quá trình tăng trưởng rễ cây, quá trình nảy mầm của hạt giống. Điểm khác biệt giữa N và P là P ảnh hưởng đến sự trưởng thành của cây, sự tạo thành và chín của quả trong khi N ảnh hưởng mạnh ở cơ quan dinh duỡng (gồm rễ, thân, lá).

Trong thực tế bón thêm P có thể ngăn bớt sự tăng trưởng quá mức ở các cơ quan dinh dưỡng do thừa N. Thiếu P cây ngừng tăng trưởng hay tăng trưởng yếu nhưng lá vẫn xanh nhiều hơn vàng.

Cần lưu ý rằng hiện tượng này có thể do nguyên nhân khác như ảnh hưởng của thời tiết lạnh chứ không hoàn toàn là do thiếu lân. Triệu chứng thiếu lân có thể được khắc phục bằng cách bón khoảng một nắm tay super phosphate/m2 diện tích vườn. Super phosphate là dạng lân được sử dụng rộng rãi nhất.

Những dạng lân tan hoàn toàn trong nước gồm mono-ammonium phosphate, di-ammonium phosphate, potassium phosphate. Bột xương cung cấp lân nhưng đó là dạng lân chậm tan. Phân gia cầm chứa lượng lân hợp lý.

Potassium (Kali):

K không thực sự là thành phần cấu tạo nên mô thực vật nhưng cây cần được cung cấp lượng K lớn cho tất cả mọi bộ phận. K ảnh hưởng đến sự kiểm soát nước trong quá trình thoát hơi nước khỏi thực vật, K cũng hoạt động như chất xúc tác trong quá trình thành lập hoặc dự trữ tinh bột, protein… Những cây thiếu K thường rất yếu ớt, nhất là phần rễ.

Triệu chứng khác của hiện tượng thiếu K là mép lá trở nên nâu và co quắt lại, thường được cho là hiện tượng cháy lá, sau đó dẫn đến một hiệu ứng dây chuyền là cây không thể hấp thu đủ nước để bù đắp lượng nước thoát hơi qua lá.

Nguồn K thương mại chủ yếu là KCl vì hàm lượng K cao và giá rẻ. Mặt hạn chế chủ yếu là taị những vùng đất có hàm lượng clor cao KCl thường dẫn đến hiện tượng ngộ độc clor, hiện tượng này đôi khi thấy rõ ở cây hoa hồng và một số loại rau khi sử dung KCl lượng cao.

Sử dụng Potassium Sulphate không dẫn đến hiện tượng này. Nitrate potassium là nguồn cung cấp K rất tốt và có những thuận lợi vì cùng lúc cung cấp cả lượng N dễ tan.

Dạng K tự nhiên có trong các loại mùn hữu cơ, phân ngựa, trâu, cừu và nhất là phân gia cầm, tuy nhiên những nguyên liệu này không được để dưới mưa quá lâu vì K có thể bị rửa trôi dễ dàng.

Nếu đất trồng có độ acid cao thì K có thể trở thành dạng không tan làm cây không hấp thu được, khi đó có thể dẫn đến hiện tượng thiếu K. Có thể khắc phục hiện tượng này bằng cách thêm vôi để tăng lựơng K dễ tan. Cần lưu ý rằng K dễ tan dễ rửa trôi trong thời gian mưa nhiều và ngập nước, vì thế ở những vùng nhiệt đới với lượng mưa cao người ta thường bón nhiều K.

Dinh dưỡng Trung Lượng

Vôi (Calcium):

Calci chiếm phần lớn trong cấu tạo vách tế bào thực vật giống như cấu trúc xương ở động vật, thiếu Calci dẫn đến hiện tượng gãy những phần chóp hoặc chồi non. Triệu chứng thiếu Calci thường thấy qua hình dạng xiêu vẹo của tán lá với đầu lá cuốn lại, mép lá cuộn cong. Những đốm nâu hoặc đốm thâm cũng biểu hiện triệu chứng thiếu Calci.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể là nước không được cung cấp đầy đủ cho việc vận chuyển Calci đến tất cả các bộ phận nhất là ở những phần chóp, ngọn của cây. Hiện tượng thiếu Calci thường xảy ra dưới những điều kiện đất rất acid, thường đó là những nơi thừa Mg, Al. Tất cả các dạng đá vôi thường chứa lượng Calci cao, Calci cũng hiện diện trong hầu hết các loại mùn hữu cơ đã ủ hoai mục.

Ma nhê (Magnesium):

Trong thành phần cấu tạo diệp lục tố có một nguyên tử Mg. Nếu di chuyển hay ngăn chặn việc cung cấp Mg cho cây trồng thì những hợp chất như carotin hoặc xanthophyl được hình thành và những phần xanh của thực vật sẽ có màu cam hoặc vàng thay vì màu xanh.

Cây thiếu Mg thì lá thường có màu vàng, hiện tượng này bắt đầu xuất hiện từ gân chính của lá và lan dần. Những vệt màu cam sáng xuất hiện trên lá cũng có thể là biểu hiện của triệu chứng thiếu Mg, những lá bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu Mg thường là lá chưa trưởng thành.Trường hợp đặc biệt trên cây khoai tây là triệu chứng thiếu Mg xuất hiện giữa gân lá nhưng phần còn lại của lá vẫn xanh.

Mg được cung cấp bởi hóa chất vô cơ như magnesium sulphate hoặc dolomite là một dạng hoạt động chậm của magnesium limestone. Hầu hết các loại mùn hữu cơ, nhất là những mùn hữu cơ làm từ lá xanh và thân có màu xanh, chứa lượng magnesium đáng kể. Hiện tượng thiếu Mg thường xảy ra trong những đất rất acid hoặc nơi lượng lớn K được sử dụng nhất là sulphate kali.

Lưu huỳnh (Sulphur):

Lưu huỳnh là thành phần cấu tạo trong protein và dầu thực vật. Triệu chứng thiếu lưu huỳnh tương tự như những lá đã phát triển có triệu chứng thiếu N, tình trạng thiếu lưu huỳnh xảy ra làm ngăn cản sự phát triển kích thước của lá hoặc mép lá cuộn tròn lại.

Tuy nhiên tình trạng thiếu lưu huỳnh hiếm khi xảy ra vì lượng lưu huỳnh chiếm nhiều ở thành phần muối sulphur hay sulphate trong phân bón hỗn hợp, trong nguyên liệu hữu cơ, trong không khí…

Dinh dưỡng Vi Lượng:

Mặc dù thực vật cần các nguyên tố này với hàm lượng rất ít nhưng những nguyên tố này giúp cây phát triển mạnh mẽ. Chúng không phải là những nguyên tố có trong cấu tạo thực vật nhưng hoạt động của chúng giống như những chất xúc tác hoặc những chất oxi hóa giúp cây hấp thu hay sử dụng những nguyên tố đa lượng, nguyên tố trung lượng và sau đó thành lập những chất khác nhau trong thực vật.

Sắt (Fe):

Mặc dù sắt không có trong thành phần diệp lục tố, nhưng nó hỗ trợ cho quá trình thành lập diệp lục tố. Do đó tình trạng thiếu sắt thường dẫn đến hiện tượng lá vàng, tương tự như thiếu Mg hay N. 

Điểm khác nhau chủ yếu là Mg và N vận chuyển liên quan nhau và đáp ứng cho quá trình tăng trưởng và sinh trưởng, vì thế triệu chứng thiếu Mg và N xuất hiện chủ yếu ở những lá đã trưởng thành do Mg, N đã rút ra khỏi những lá này. Trong khi đó sắt là nguyên tố không di chuyển trong thực vật vì thế hiện tượng vàng lá sẽ xảy ra trước tiên ở cơ quan còn non.

Sắt có trong hầu hết các loại đất nhưng ở dạng không tan do sự hiện diện của đá vôi. Do đó tình trạng thiếu sắt xảy ra chủ yếu ở thực vật trồng trên vùng đất quá vôi hoặc đất quá kiềm. Phương pháp khắc phục tình trạng thiếu sắt là acid hóa đất bằng cách sử dụng sulphur, than bùn, sulphate aluminum, sulphate sắt. 

Ngoài ra sắt có khuynh hướng biến thành dạng hợp chất không tan khi tiếp xúc với các chất hóa học khác do đó phương pháp hiệu quả hơn là sử dụng sắt dạng chelate bón vào đất hoặc phun qua lá để cung cấp trực tiếp cho thực vật. Dạng chelate không kết hợp dễ dàng với những chất khác và có khả năng vận chuyển linh động trong thực vật.

Manganese (Măng gan):

Mn được biết đến như một chất oxy hóa của thực vật. Thiếu Mn lá có thể xuất hiện những đốm xám hoặc vàng thẫm ở chung quanh rìa lá. Cũng giống như Fe, triệu chứng thiếu Mn thường xảy ra trên vùng đất đá vôi vì khi bón Mn thì Mn trở thành dạng không tan.

Thực hiện việc acid hóa đất như đã đề cập ở phần Fe sẽ cải thiện tình trạng này đáng kể, hoặc sử dụng manganese sulphate là dạng dễ tan để bón vào đất. Ngược lại, ngộ độc Mn thường xảy ra trên những đất quá acid do Mn trở thành dạng hòa tan nhanh nên cây sẽ bị thừa Mn.

Zinc (Kẽm):

Triệu chứng thiếu Zn đôi khi xảy ra xuất hiện những đốm vàng trên lá Có thể khắc phục triệu chứng thiếu Zn bằng cách bón zinc sulphate vào đất.

Copper (Đồng):

Thiếu đồng cũng dễ xảy ra ở cây thuộc họ cam chanh, thiếu đồng dẫn đến hiện tượng chết rễ non, đôi khi cháy bìa lá cùng với hiện tượng tạo nhiều mầm nhưng không mạnh, hiện tượng tiết nhựa, xì mủ cây cũng xảy ra.Tình trạng thiếu đồng được khắc phục bằng cách bón copper sulphat hoặc phun copper oxychloride.

Boron (Bo):

B là nguyên tố điều hòa N trong thực vật. B, cũng giống như K, rất dễ bị rửa trôi, vì thế đất có thể trải qua tình trạng thiếu B tạm thời sau thời gian mưa kéo dài, đặc biệt là đối với vùng đất trở nên khô một cách bất thường.

Có thể khắc phục triệu chứng thiếu B bằng cách thêm sodium borate hoặc borax nhưng phải cẩn thận khi sử dụng vì mặc dù borax có thể là yếu tố điều hòa và hỗ trợ cho việc hấp thụ N, nó có thể trở thành thuốc diệt cỏ nếu tích tụ một lượng quá lớn.

Molybdenum:

Mo cần một lượng rất ít, chỉ vài gram trên 1000m2 nhưng thiếu Mo gây hậu quả hết sức nghiêm trọng,Thiếu Mo lá bị xoắn và rụng cuống.

Khi đất quá chua (độ acid cao) sẽ cản trở cây trồng hấp thu Mo gây nên tình trạng thiếu Mo, tình trạng thiếu Mo cũng xảy ra khi bón phân có hàm lượng N và P cao. Khắc phục tình trạng thiếu Mo bằng cách phun sodium molypdate với liều lượng 1 muỗng canh hòa tan với 4.5 lít nước.

Hiện tượng ngộ độc (Toxicity):

Hiện tượng ngộ độc có thể xảy ra do việc sử dụng quá dư thừa các nguyên tố vi lượng như Cu, Zn, B, Mn. Hiện tượng thường xảy ra trên đất acid vì khả năng hòa tan của các chất trên ở đất acid là rất lớn..

Tổng kết

Trên đây chỉ là vài triệu chứng thiếu dinh dưỡng được liệt kê, quan sát để chẩn đoán triệu chứng thiếu dinh dưỡng rất khó và phức tạp vì thực tế cây có thể thiếu nhiều hơn một nguyên tố hoặc có thể xảy ra hiện tượng thiếu một nguyên tố và có mặt một nguyên tố gây độc, cũng có khả năng những nguyên tố khác nhau hiện diện trong đất nhưng cây không thể hấp thu được bởi vì chúng không tan do đất quá acid hay quá kiềm hoặc quá thừa nguyên tố khác.

Tuy nhiên các bạn đừng lo lắng quá về triệu chứng thiếu dinh dưỡng. Hãy ý thức rõ về khả năng có thể xảy ra khi hơi nặng tay trong việc xử lý độ kiềm, độ acid, sử dụng phân đơn thay vì dùng phân hỗn hợp.

Không sử dụng lượng phân quá mức hoặc không cần thiết trên cây mai. Đôi khi cây có biều hiện không phát triển chỉ vì đang trong giai đọan nghỉ ngơi của nó, hoặc do các yếu tố vật lý của đất, nước quá nhiều hay quá ít. Cũng có khi cây đang trong tình trạng nguy hại rễ do quá thừa lượng phân trong đất

Cùng chuyên mục:

Tags: cách nhận biết cây mai thiếu vi lượng, bổ sung trung vi lượng cho cây mai, phân bón lá vi lượng cho cây mai, biểu hiện cây mai thiếu vi lượng, biểu hiện thiếu dinh dưỡng trên cây mai, cây mai thiếu magie, Những triệu chứng thiếu dinh dưỡng của cây trồng thấy được trên lá