Thân chào toàn thể BÀ CON, ^^
Ông anh của Thái tôi có trồng gần chục cây mai bonsai, vừa rồi sau vài trận mưa cây bắt đầu đâm chồi nẩy lộc. Khoái quá ổng cho nó ăn thêm nào là NPK, phân bò, tro trấu… Sau 2 tuần chồi không phát nữa, các lá non quéo quắp lại và bắt đầu rụng dần, các lá lớn thì xanh rất đậm, nhám xịt, lá già thì bắt đầu úa vàng rất nhanh. Ổng qua cầu cứu Thái tôi, biết là nó đã bị bội thực, nhưng thật tình không biết làm sao. Mong bà con ai biết xin chỉ giúp cách cứu mấy cái cây này. Xin chân thành cảm ơn và cảm ơn !...! ^^
Thái
Mai vàng bị phạm phân, xử lý như thế nào? Ảnh: Hoamaixunau. |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến diễn đàn hoamaixunau, tình trạng sử dụng quá liều phân bón hay còn gọi là phạm phân khá phổ biến với các bạn chơi mai lần đầu vì tâm lý nôn nóng muốn cây lớn nhanh, yêu chiều cây, nhưng thực tế lại đang làm hại cho cây của mình.
Trước tiên để chia sẻ cách giải quyết trên cây mai của bạn. Ad xin điểm qua một vài nguyên nhân và triệu chứng dẫn đến cây mai bị ngộ độc phân bón (mai vàng bị phạm phân) để chuyển câu hỏi của bạn thành một chuyên đề thảo luận cho anh em chơi mai tham khảo sau này.
Có thể chia thành 3 trường hợp cây ngộ độc do phân bón:
Trường hợp mai vàng bị phạm phân - Bị cháy phân:
Đây là dạng ngộ độc trực tiếp, cấp tính lên một bộ phận của cây mà có thể trên tổng thể với lượng phân đó thì chưa xảy ra dư thừa khiến cho cây bị ngộ độc.
Một số triệu chứng như là: lá mai hoặc rễ bị cháy sém, hoặc mép lá chuyển sang màu nâu.
Ví dụ: khi cây bị ngập nước thì rễ mai bị ngộp, đua nhau ngoi lên mặt đất để tìm kiếm oxy, khi nước rút đi nếu các bạn bón phân ngay thì phân tan ra và lớp rễ cám mai sẽ bị cháy, mặc dù lượng phân bón không nhiều.
Nói chung, các biểu hiện trên cây mai do bón phân quá mức thường xuất hiện với các triệu chứng là lá bị cháy sém hoặc mép lá chuyển sang màu nâu. Các chất muối tan trong nước từ phân bón có thể rút hơi nước khỏi các mô rễ, khiến lá héo rũ, rìa lá ngả vàng và cây phát triển còi cọc.
Lá bị cháy sém cũng có thể do tán lá tiếp xúc trực tiếp với một số loại phân bón – dạng hạt được sử dụng bằng cách rải hay phun dưới dạng lỏng.
Các yếu tố như loại đất, chế độ tưới nước, mức độ muối, và tính mẫn cảm của các loại cây trồng đặc biệt cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ thiệt hại của loại bệnh này.
Biểu hiện cây mai bị phạm phân cháy phân trở nên nghiêm trọng hơn trong điều kiện khí hậu khô và nóng. Các loại muối có trong phân bón càng trở nên cô đặc hơn trong điều kiện đất bị khô hạn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng rễ bị tổn thương trực tiếp, biểu hiện qua triệu chứng cháy sém tại những bộ phận của cây tiếp xúc với không khí.
Các loại muối hòa tan cũng theo nước vận chuyển trong cây và trở nên cô đặc lại trong lá khi độ ẩm bị mất đi nhanh chóng vào những ngày khô nóng do tình trạng thoát hơi nước hay bay hơi nước.
Khi thời tiết lạnh, nhiều mây, có đủ độ ẩm trong đất, tốc độ mất hơi nước của lá mai chậm lại, cho phép nhiều cây mai chịu đựng được các nồng độ muối cao trong những tháng mùa xuân, nhưng không kéo dài suốt các tháng hè. Vì vậy, không nên xử dụng phân bón dạng hạt khi thời tiết quá khô, và nên tưới nước khắp cây sau khi bón phân để đề phòng cháy cây.
Trường hợp thứ 2 mai vàng phạm phân - bón phân mất cân đối:
Cây bị ngộ độc trong trường hợp lượng phân bón chưa dư nhưng do các chất sẽ ảnh hưởng lẫn nhau nên khi có mặt chất này sẽ gây thiếu chất kia.
Biểu hiện cây mai bị phạm phân. Ảnh: Hoamaixunau. |
Hiện tượng thiếu kẽm thường xảy ra ở đất nghèo kẽm hay đất có hàm lượng lân, HCO3 cao hoặc do bón quá nhiều lân và phân hữu cơ. Trong khi thiếu kẽm mà bón nhiều đạm, đặc biệt là urea thì sẽ càng làm cho tình trạng thiếu kẽm trầm trọng hơn bởi các vi sinh vật có ích phát triển không tốt. Trong trường hợp này bón kẽm là cần thiết để kích thích sự phát triển của chúng.
Ví dụ khác như với kali. Kali là yếu tố giúp cây chắc, ít sâu bệnh và cây cũng có thể hấp thu nhiều kali mà không bị nhiễm độc. Tuy nhiên khi nhiều kali thì sẽ ức chế khiến cho cây mai không hấp thu được canxi và magie khiến cho cây có triệu chứng như bị ngộ độc.
Trường hợp thứ 3 mai vàng bị phạm phân dẫn đến ngộ độc thực sự:
Đây là trường hợp bón quá nhiều so với nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây. Ví dụ như nếu bón quá nhiều phân đạm thì sẽ làm cho lá cây bị vàng, rũ xuống.
Thông thường rễ cây mai hút được các dưỡng chất, nhờ sự thẩm thấu để cân bằng hàm lượng dung dịch muối khoáng, acid ,kiềm (bazo) ... do các điện tích trong rễ cây cao hơn ở môi trường đất nên hút được nước và các dưỡng chất hòa tan.
Tuy nhiên khi bón nhiều phân sẽ làm cho nồng độ chất tan ở trong dung dịch đất cao hơn so với nồng độ chất tan ở trong tế bào cây mai, lúc đó dung dịch bên ngoài rễ mai sẽ háo nước làm cho rễ không hút được nước từ ngoài môi trường vào mà nước lại còn đi ra ngoài tế bào nên làm cho cây bị héo. Và đôi lúc cũng có trường hợp ngộ độc do cây hút vào nhiều một số chất, khi quá liều.
Các bạn biết vì sao mà các loài Đước, Sú, Vẹt lại thích nghi vớí môi trường đất ngập mặn không?
Đơn giản là vì nồng độ dịch bào của tế bào lông hút rất cao so với môi trường. do vậy mà các loài thực vật này vẫn có thể lấy được nước. Còn các lác loại cây sống ở nước ngọt thì ngược lại, chỉ cần đưa xuống nước mặn là ra đi mãi mãi.
Tóm lại là:
+ Bón phân quá liều lượng cây sẽ không hút được nước, mặt khác còn bị mất nhanh lượng nước của cơ thể do thoát hơi nước, do tế bào sử dụng nước, do nước đi ra từ hệ rễ.
+ Bón phân nhiều, làm nồng độ keo đất ưu trương so với nồng độ dịch bào của tế bào lông hút. Do vậy, tế bào lông hút không lấy được nước của môi trường bằng hình thức thấm thấu. Mặt khác, nước còn bị mất đi, dẫn đến cây héo dần và chết.
Cách xử lý khi cây mai vàng bị phạm phân
Cho dù các bạn gặp trường hợp nào trong 3 trường hợp trên thì cũng cần phải giải quyết nhanh chóng bằng cách:
+ Ngưng bón phân
+ Tưới nhiều nước để làm cho phân bị loãng ra và di chuyển xuống phần dưới vùng rễ cây.
Trường hợp nếu mai bị ngộ độc bởi vi lượng thì các bạn có thể bón thêm vôi hoặc lân. Khi bón thêm vôi hoặc lân sẽ làm cho pH tăng lên. Một khi pH được tăng lênthì sẽ làm giảm khả năng ảnh hưởng của vi lượng.
Tuy nhiên với các vi lượng là Molipden (Mo) hoặc Clo thì việc nâng độ pH lên sẽ gây nên tác dụng ngược lại làm cho cây mai bị ngộ độc nặng hơn vì khi pH được nâng lên trung tính hoặc kiềm thì hoạt động của 2 vi lượng này càng mạnh hơn. Việc bón phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm tác dụng độc của việc dư thừa phân bón, bởi khi bón phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động hiệu quả hơn.
Trường hợp của bạn Thái thuộc về trường hợp thứ 3, tức là bón phân quá liều cây thực sự bị ngộ độc phân bón: Bạn có thể làm cách sau hy vọng sống sót chỉ còn 10% cho những cây ngộ độc nặng:
Bạn xả nước thật nhiều cho sạch hết phân bón còn sót lại trong chậu, tưới cho nó 1 lần Roots (để phục hồi bộ rễ cây) , cắt bỏ hết lá non lá héo tránh cây bị mất nước (chỉ chừa lại một ít lá cho cây quang hợp), đưa cây ra ánh nặng nhẹ, khí hậu mát để tránh cây mất nước.
Ngoài cách trên bạn có thể làm cách sau: giũ cây mai cho sạch đất, ngâm rễ trong nước rửa cho sạch, phun vào bộ rễ 1 lần Root2 sau đó trồng cây trong đất mới hoàn toàn không phân bón. Tiếp theo bạn cắt bỏ hết lá non lá héo, tỉa bớt cành để cây trong nắng nhẹ. Hy vọng cây sẽ hồi phục lại, nhưng cơ hội rất thấp.
Một số biện pháp hỗ trợ giải độc khi cây mai bị phạm phân
Ngoài cách khắc phục khi cây mai bị phạm phân là phục hồi bộ rễ cây mai thì các bạn cũng cần kết hợp bổ sung cho cây một số chất giúp cho cây phục hồi nhanh sau khi bị phạm phân:
Dùng hoạt chất có nguồn gốc hữu cơ để tưới/phun lên cây trồng, ví dụ như: (Kali Humate, dịch rong biển dạng bột, Amino axit... ) các loại thuốc (hoạt chất) này giúp cây mai đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, giúp đào thải chất độc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Liều dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Dùng các chất giảm ngộ độc dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho cây như: Compound Nitrophenolate, Vitamin B1 (Thiamin), Auxin Diethyl Amimoethyl Hexanote (Cytokinin DA6)... Sử dụng các loại chất này để tưới/phun lên cây trồng giúp cây phục hồi, liều dùng cũng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Có thể kết hợp hoạt chất giải độc và hồi sinh cây trồng: Kết hợp Compound Nitrophenolate với dịch rong biển dạng bột hoặc kết hợp Cytokinin DA-6 với Kali Humate với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
+ Nồng độ khuyến cáo sử dụng dịch rong biển là pha loãng 1000 - 1200 lần, tương đương 10g/12 lít nước.
+ Nồng độ thích hợp pha chế và sử dụng Auxin Diethyl Amimoethyl Hexanote (Cytokinin DA6 98%) là 5 - 20ppm, tương đương 5 - 20mg/L.
+ Nồng độ phù hợp phun Vitamin B1 (Thiamin 99%) là 2 - 3 ppm, tương đương mg/L.
Tưới hoặc phun đều lên 2 mặt lá và thân cây, phun định kỳ 7 - 10 ngày một lần.