Mai vàng có bộ rễ lan tỏa gần tương ứng vời đường kính của bộ tàng nhánh trên cây và phần rễ cám (rễ lông) của cây tập trung nhiều nhất là ở cuối bầu bánh tẻ của rễ cọc, có nghĩa là cách thân cây (có đường gốc 20 phân) khoảng từ 1m đến 1,5m.

cây mai cổ thụ trước khi bứng
Xác định tình trạng cây mai cổ thụ trước khi bứng. Ảnh: Hoamaixunau.

Rễ cám có nhiệm vụ hút nước và dưỡng chất từ trong đất lên để nuôi cây. Khi bứng cây thường thì cắt bỏ khoảng 60 - 70% rễ cám, vì bầu đất thường bứng cách gốc cây không tới 1m (so với cây có đường kính gốc 20 phân). 

Như vậy việc xác định tình trạng sức khỏe của cây trước khi bứng là hết sức cần thiết, muốn xác định tình trạng sức khỏe của cây, cần phải kết hợp nhiều yếu tố liên quan hỗ trợ cho nhau sẽ giúp xác định chính xác hơn.

Thứ nhất: quan sát kỹ mặt trên của lá, chính mặt này chứa nhiều chất diệp lục và tế bào quang hợp, hơn nữa mọi biểu hiện bất thường như thiếu đa, trung, vi lượng, hoặc những bệnh lý hay thể hiện tính sung mãn của cây đều được biểu hiện qua mặt trên của lá, màu sắc của lá, mật độ của lá. 

Kết hợp yếu tố này với điều kiện sống hiện tại và thời gian hưởng nắng trong ngày sẽ phát hiện tình trạng sức khỏe của cây. Diện tích của chiếc lá sẽ biểu hiện ở đây là loại mai gì trong các loại mai hoang dã trong thiên nhiên.

Thứ hai: Xác định điều kiện hiện tại của cây bằng cách tìm xem mực nước thường ngày ở gần gốc mai (nếu có thể được), thường thì các tỉnh miền Tây với sông rạch, mương vũng nước chằn chịt nên việc xác định này rất dễ.

Từ mực nước thường ngày đó có thể liên hệ đến gốc mai thì sẽ biết ngay cây mai đó nằm ở vùng cao hay thấp, nếu đất cao thì cây mai sẽ có bộ rễ ăn cắm sâu xuống, còn nếu đất thấp thì bộ rễ sẽ ăn bàn ra, ít khi khác hơn vì theo quy luật sinh tồn của cây thì rễ sẽ đi xuống để tìm nước khi nào gặp nước thì chúng sẽ không ăn xuống nữa mà ăn bàng ra rồi phát rễ cám.

Đó là lý do trồng mai mà tưới quá nhiều nước sẽ làm úng rễ cám và cũng nhờ vào xác định mực nước sẽ biết được cây mai có bộ rễ ăn bàng hay ăn cắm xuống nước.

Kế đến nên nhìn lên khoảng không gian bên trên ngọn cây mai để biết mỗi ngày chúng hưởng nắng được bao nhiêu giờ để so sánh 2 cây mai cùng 1 giống cùng 1 tình trạng sức khỏe, 1 cây nằm ngoài trảng, 1 cây nằm trong rợp sẽ thấy có sự khác biệt như sau:

Cây nằm ngoài nắng: Có bộ lá xanh dợt hơn, diện tích lá nhỏ hơn, lá dày hơn, khoảng cách giữa 2 lá gần hơn, ít bị bệnh về thực vật hơn như rỉ sắt, thán thư và các loại nấm, cành lá thường cứng hơn, vỏ cây dày hơn.

Cây nằm trong rợp: Có bộ lá xanh đậm hơn, có diện tích lá lớn hơn, lá mỏng hơn, khoảng cách giữa 2 lá xa hơn, thường xuyên bị bệnh về thực vật như rỉ sắt, thán thư và các loại nấm, cành nhánh thường mềm hơn, vỏ cây mỏng hơn.

Hiểu được điều này sẽ giúp xác định tình trạng sức khỏe chính xác hơn.

Thứ ba: Nếu cây mai có 1 tàng nhánh nào có biểu hiện suy yếu thì phải kiểm tra ngay, thường thì chúng bị sâu đục thân, sâu cắn phá vỏ cây làm cắt đường dẫn nhựa và dưỡng chất nên tàng đó bị suy yếu.

Nhưng nếu là những nhánh to ở gần gốc thì phải hết sức chú ý đến phần rễ lớn ở phía dưới bên tàng nhánh đó, có thể chúng sẽ bị hoại tử dần dần (còn gọi là rễ nước), rễ này bị suy yếu nếu để nằm nguyên ở đó có thể vài ba năm chúng mới thật sự hư mục, nhưng nếu bứng lên thì chúng sẽ hư mục ngay và sẽ làm cho cây chết đi phía bên đó.

Thứ tư: Quan sát đất ở xung quanh gốc cây để xác định loại đất tại nơi đó, xem có đủ độ phù sa màu mỡ hay không, trong các loại đất có đất thịt tơi xốp, đất đỏ bazan, đất mùn đen là tốt nhất. Tuy nhiên loại đất đỏ bazan chỉ thích hợp với mai vàng miền Đông Nam Bộ.