Chiến sự Nga - Ukraine

chồng chất đau thương và khủng hoảng


Dưới nắng nóng hơn 50 độ C ở Thung lũng Chết, David Kelleher ngã gục gần chiếc xe có mảnh giấy "Hết xăng", trở thành nạn nhân gián tiếp của cuộc xung đột cách đó 9.000 km.

Mảnh giấy dường như thể hiện linh cảm về điều tồi tệ sắp xảy ra khi Kelleher, cựu đại úy thủy quân lục chiến Mỹ 67 tuổi, rời khỏi chiếc xe kiệt xăng để quyết định đi bộ dưới trời nắng nóng ở vườn quốc gia Thung lũng Chết, California.

Thi thể Kelleher được phát hiện hôm 14/6, cách chiếc xe khoảng 4 km. Ông là một trong hàng chục nghìn người Mỹ thường xuyên không thể đổ đầy bình xăng khi giá nhiên liệu ở nước này tăng kỷ lục từ hồi tháng 4 đến tháng 6, do hậu quả của chiến sự Nga - Ukraine.

Cuộc chiến bắt đầu từ ngày 24/2, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sau nhiều tuần tập trung gần 150.000 quân gần biên giới nước này, mở đầu 6 tháng chiến sự ác liệt, gieo đau thương cho người dân hai nước và gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ cùng nhiều hệ lụy lan rộng trên toàn cầu.


Hồi cuối tháng một, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine "bất cứ lúc nào", nhiều người ở Kiev tin rằng đây chỉ là một "chiêu trò chính trị" của Washington. Khảo sát trong hai tuần đầu tháng 2 của Viện Gorshenin, tổ chức thăm dò độc lập ở Ukraine, cho thấy 62,5% người dân nước này nhận định cuộc tấn công sẽ không xảy ra "trong tương lai gần".

Ngay cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho rằng phương Tây đang gieo rắc hoảng loạn bằng cảnh báo về chiến tranh. "Rủi ro lớn nhất với Ukraine là bất ổn trong nước. Chúng ta không cần cơn hoảng loạn này", ông nói trong cuộc họp báo ngày 28/1.

Nhưng đến sáng 24/2, người dân trong một tòa chung cư ở Kiev choàng tỉnh vì tiếng nổ lớn và những tiếng la hét thất thanh. Một quả tên lửa đã lao vào tòa nhà, xé toạc một phần công trình, làm bùng phát hỏa hoạn, khói bụi bay khắp nơi.

Đó cũng là ngày vợ chồng Mike, 43 tuổi, cư dân thủ đô Kiev, dự định tổ chức tiệc mừng kỷ niệm 15 năm ngày cưới tại nhà hàng.

"Khoảng 5h sáng, vợ chồng tôi và con trai 10 tuổi thức giấc khi nghe tiếng rocket bay qua nhà. Ý nghĩ đầu tiên là vơ lấy mọi thứ có thể rồi đi sơ tán, nhưng đường nào cũng tắc, trong khi phía Nga pháo kích liên tục. Thật kinh khủng".

Ngày kỷ niệm trọng đại của vợ chồng Mike trôi qua dưới một bãi đỗ xe ngầm, nơi gia đình anh cùng khoảng 60 người nằm vạ vật trên sàn nhà lạnh giá, không chăn đệm, không lò sưởi, cầm hơi bằng bánh quy, khoai tây chiên.

"Chúng tôi cố nghĩ về 15 năm tuyệt vời bên nhau, về cậu con trai 10 tuổi được Chúa ban phước mà chúng tôi hết mực yêu thương. Nhưng ngày đầu tiên ấy chỉ toàn là nỗi sợ", anh tâm sự.

Sau màn tập kích tên lửa phủ đầu, các đơn vị quân đội Nga chia làm nhiều mũi tiến vào lãnh thổ Ukraine từ Belarus ở hướng bắc, bán đảo Crimea ở phía nam và vùng ly khai ở Donbass, miền đông nước này.

Đau thương và mất mát

"Đây là giường của chúng tôi, còn TV và tủ quần áo ở kia. Tôi đã thay cửa chính và cửa sổ, tất cả đều mới toanh, cũng như lắp hệ thống sưởi dưới sàn nhà. Chúng tôi đã có cuộc sống rất ổn", Victor Horenka ngậm ngùi kể khi thăm lại tổ ấm mà ông đã mất 20 năm xây dựng, vun đắp ở Kiev. "Nhưng rồi chiến tranh đã phá hủy tất cả".

Ngôi nhà của ông giờ đây đã trở nên hoang tàn, kính cửa sổ bị thổi bay, những bức tường gạch cháy nham nhở, dây điện lòng thòng từ trên trần. Nhà của Horenka là một trong ít nhất 140.000 căn nhà trên toàn quốc đã bị phá hủy trong bom đạn, theo số liệu của chính phủ Ukraine.

Không chỉ nhà cửa, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện khắp nhiều thành phố Ukraine cũng trở thành đống gạch vụn sau những trận không kích, pháo kích dữ dội. Theo Statista, tổng thiệt hại về nhà cửa, hạ tầng giao thông của Ukraine trong 6 tháng chiến sự lên tới hơn 81 tỷ USD.

"Khi lồm cồm bò dậy, tôi cảm nhận được luồng sóng xung kích từ vụ nổ ập đến, hệt như những gì bạn thấy trên phim. Tôi ngã gục xuống. Mọi thứ xung quanh bắt đầu vỡ vụn", Inna Levchenko, hiệu trưởng Trường 21 thuộc tỉnh Chernihiv, miền bắc Ukraine, kể.

Khi chiến sự nổ ra, hiệu trưởng Levchenko và các thầy cô giáo tại Trường 21 từng nghĩ trường học là nơi trú ẩn đủ an toàn. Nhưng giây phút những quả bom rơi xuống ngôi trường ngày 3/3 cũng là lúc họ nhận ra mình đã nhầm.

Bom trút xuống lúc cô Levchenko cùng các học trò trốn dưới tầng hầm của trường. Vụ nổ làm cô gãy chân và để lại một số thương tích khác.

"Chúng tôi đã sơn dòng chữ 'Trẻ em' to và rõ ràng, rồi treo lên cửa sổ trường học. Khi ném bom, họ chắc chắn phải nhận ra mục tiêu là trường học. Đó có vẻ là hành động nhằm đe dọa và buộc dân thường khiếp sợ", cô kể lại.

Từ khi phát động chiến dịch, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố không nhắm mục tiêu vào dân thường và công trình dân sự ở Ukraine, chỉ tấn công các cơ sở quân sự và lực lượng vũ trang nước này.

Nhưng Bộ Giáo dục Ukraine ước tính hơn 1.800 trường học trên toàn quốc đã trúng hỏa lực tập kích của Nga. Nhiều trường học vốn được trưng dụng làm nơi trú ẩn hoặc phân phát đồ cứu trợ cho người dân.

Tổ chức phi chính phủ Save The Children, đặt trụ sở chính tại Mỹ và là đối tác của Văn phòng Điều phối Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OCHA), đánh giá số trường học bị phá hủy hoặc tổn hại bởi bom đạn trong 100 ngày đầu chiến sự Ukraine cao gấp ba lần số liệu được ghi nhận trong 7 năm giao tranh ở miền đông nước này.

"Số vụ tấn công rất lớn nhắm vào trường học là thực tế khiến bất kỳ ai cũng phẫn nộ. Mỗi ngày chiến sự kéo dài, sinh mạng và tương lai của trẻ em Ukraine tiếp tục bị đe dọa. Chiến tranh phải lập tức kết thúc", Onno van Manen, giám đốc phụ trách khu vực Ukraine cho tổ chức Save The Children, nhấn mạnh.

Tháng 5, một ngôi trường tại Bilohorivka, tỉnh Lugansk, thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine, bị không quân Nga đánh bom trong lúc hơn 90 người trú ẩn dưới tầng hầm, khiến hơn 60 người thiệt mạng, chính quyền địa phương cho biết. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án vụ không kích, đồng thời kêu gọi "chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình" vì dân thường luôn là những nạn nhân "trả giá đắt nhất" trong xung đột.

"Tôi đoán bọn trẻ nghĩ rồi chúng sẽ được đi học lại. Các em không hiểu rằng trường học chẳng còn nữa. Chúng tôi không biết ngày mai ra sao", cô Levchenko nói. Trong vụ ném bom hồi tháng 3, ít nhất 9 người ở Trường 21 thiệt mạng, trong đó có một học sinh 13 tuổi của cô.

Ukraine trước và sau chiến sự


Video: Guardian.

Trong 6 tháng giao tranh, chiến sự đã khiến ít nhất 5.237 người chết và 7.035 người bị thương, dù con số thương vong thực tế được cho là còn cao hơn rất nhiều, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR).

Serhiy Perebyinis ngày 6/3 nhận cùng lúc ba tin báo tử. Ông mất đi người bạn đời đã chung sống hơn 20 năm, cậu con trai chưa tròn đôi mươi và cô con gái chưa học xong tiểu học. Ba mẹ con thiệt mạng trong trận pháo kích ở Irpin, khi vùng ngoại ô Kiev trải qua những ngày khốc liệt nhất trong lúc lực lượng Nga tràn qua biên giới, tìm cách khép vòng vây thủ đô Ukraine.

Serhiy bật khóc. Nỗi day dứt không ở cạnh ba mẹ con giữa thời khắc sinh tử vẫn bủa vây tâm trí ông.

Lúc chiến sự nổ ra một tháng trước đó, người đàn ông 43 tuổi kẹt lại ở miền đông Ukraine, chăm sóc mẹ già vừa ngã bệnh. Đêm trước khi tai họa giáng xuống, vợ ông, Tetiana, vẫn gọi điện an ủi chồng đừng lo lắng, rằng ba mẹ con sẽ sớm thoát khỏi chảo lửa Irpin đến nơi an toàn.

Tetiana lên kế hoạch đưa hai con sơ tán cùng tình nguyện viên nhà thờ địa phương. Họ di chuyển bằng xe tải nhỏ từ sáng sớm, sau đó đi bộ qua một khu phố hướng về phía cây cầu dẫn vào thủ đô, vốn đã bị phá hủy một phần để chặn xe tăng Nga. Đoàn sơ tán gần đến đầu cầu phía Irpin thì những quả đạn pháo trút xuống. Nhiều người kịp chạy dạt vào bờ tường trú ẩn, nhưng ba mẹ con Tetiana cùng gục xuống.

Serhiy mất liên lạc với gia đình trong sáng hôm ấy. Hơn ba tiếng sau khi vợ con khởi hành đi sơ tán, ông bắt đầu lo lắng, khi thấy tín hiệu định vị điện thoại của con trai xuất hiện trong bệnh viện. Vợ ông không bắt máy.

Ít lâu sau, những hình ảnh vụ pháo kích ở Irpin được chia sẻ khắp mạng xã hội. Một trong số đó khiến ông chết lặng. "Nhìn thấy chiếc vali quen thuộc, tôi hiểu điều gì đã xảy ra", Serhiy nói.

Quả đạn pháo rơi cách vị trí ba mẹ con chưa đầy 10 m. Họ, cùng tình nguyện viên của nhà thờ đi cùng, không có cơ hội nào sống sót.

Tetiana Perebyinis, 43 tuổi, Mykyta Perebyinis, 18 tuổi và Alisa Perebyinis, 9 tuổi nằm bất động bên tượng đài tưởng niệm liệt sĩ Thế chiến II. Tấm bảng lấm lem đất cát vì trận pháo kích vẫn rõ dòng chữ: "Mãi tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì đất nước trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại".

Ảnh: Reuters, AFP.

Giữa những mất mát về dân thường, cả quân đội Nga và Ukraine đều tuyên bố gây ra thiệt hại lớn với sinh lực đối phương, mà né tránh đề cập đến tổn thất của mình. Hai bên không đưa ra thông tin chi tiết về thương vong quân sự trong 6 tháng xung đột.

Lần gần đây nhất Bộ Quốc phòng Nga công bố số liệu về tổn thất nhân sự là ngày 25/3, khi họ thông báo 1.351 binh sĩ thiệt mạng và 3.825 người bị thương. Từ đó đến nay, Moskva không cung cấp thêm con số cập nhật, trong khi tình báo Mỹ ước tính khoảng 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trên chiến trường Ukraine, số người bị thương cao gấp ba con số đó.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hồi tháng 7 cho hay tổn thất quân sự của Ukraine cũng đáng kể, nhưng có lẽ ít hơn so với Nga. Tướng Valeriy Zaluzhnyi, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, gần đây thừa nhận khoảng 9.000 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong 6 tháng giao tranh.

Ở thành phố Pskov, tây bắc Nga, Yulia Ivkina có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng Igor Ivkin, 19 tuổi, một quân nhân trong lực lượng vũ trang Nga. Tháng 12/2021, chồng cô được điều tới biên giới gần Ukraine, khi Nga tập trung hàng trăm nghìn quân tại đây.

Ngày 7/2, Ivkin nhận được tin vui: Ivkina vừa sinh hạ con gái đầu lòng Ksenia. Anh được nghỉ phép 4 ngày để về nhà thăm con, rồi vội vã trở lại đơn vị, tham gia vào chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đến ngày 8/3, Ivkin tử trận.

"Hạnh phúc chỉ vỏn vẹn trong 4 ngày", Ivkina nói. "Anh ấy là một người bố tuyệt vời. Anh ấy để tôi nghỉ ngơi vào ban đêm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ru con ngủ và thay bỉm cho con. Anh ấy gọi tôi là nữ hoàng, còn con gái là công chúa".

Ivkina là một trong hàng nghìn phụ nữ Nga mất chồng, mất con trong cuộc chiến. Cuối tháng 6, một nhóm 16 người, chủ yếu là phụ nữ ở vùng Buryatia, Siberia, Nga, đăng lên mạng xã hội một video kêu gọi Thống đốc tìm cách đưa những người chồng của họ đang tham chiến ở Ukraine trở về nguyên vẹn.

Họ cho biết mình là vợ của những người lính thuộc Lữ đoàn Tăng số 5, Đơn vị 46108 đang chiến đấu ở Ukraine. Ít nhất 30 binh sĩ trong đơn vị được cho là đã thiệt mạng ở Ukraine.

"Mọi người đều sợ hãi. Hãy để cái chết của mỗi người lính trong cuộc chiến này thức tỉnh các ngài", một phụ nữ thay mặt cả nhóm đọc tuyên bố gửi tới Thống đốc vùng. "Chúng tôi yêu cầu các ngài đưa chồng, con chúng tôi về nhà".

Những cuộc khủng hoảng lan rộng

Không chỉ gây đau thương, đổ máu cho người dân Ukraine và Nga, cuộc chiến còn châm ngòi cho những cuộc khủng hoảng kinh tế, địa chính trị chưa từng có ở châu Âu và lan rộng ra khắp toàn cầu.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Ukraine sẽ sụt giảm 45% trong năm 2022 vì xung đột. Ngân hàng Trung ương Nga dự đoán nền kinh tế trị giá 1,8 nghìn tỷ USD của nước này cũng sẽ giảm 4-6% năm 2022, thấp hơn mức dự đoán 8-10% hồi tháng 4.

Những cuộc không kích, pháo kích dữ dội cũng đã khiến 1/3 dân số Ukraine, tương đương hơn 13,6 triệu người, đã phải rời bỏ nhà cửa, tạo ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới hiện nay, theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc.

Dòng người sơ tán khỏi Ukraine sau khi chiến sự bùng phát



Các biện pháp trừng phạt quyết liệt của phương Tây nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine cùng đòn "ăn miếng trả miếng" từ Moskva đang gây bất ổn cho kinh tế của hàng loạt quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Âu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới sẽ phải "trả giá đắt" vì cuộc xung đột ở Ukraine khi tăng trưởng yếu hơn, lạm phát trầm trọng hơn và chuỗi cung ứng nguy cơ hứng chịu những thiệt hại lâu dài.

OECD đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 3%, từ mức 4,5% mà họ dự đoán hồi tháng 12 năm ngoái, đồng thời tăng gấp đôi dự báo lạm phát lên gần 9% cho 38 quốc gia thành viên. Tổ chức này dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ chậm lại, chỉ còn 2,8%.

Đánh giá ảm đạm từ OECD, lặp lại cảnh báo tương tự của WB, cho thấy hậu quả kinh tế sâu rộng từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này được cho là sẽ khiến việc thiết lập các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp trở nên khó khăn hơn.

"Những hậu quả của cuộc chiến phi nghĩa này đang vượt ra khỏi biên giới Ukraine", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an ngày 24/8. Ông mô tả 6 tháng xung đột Nga - Ukraine là "thảm khốc".

Các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn thế giới đang cảm nhận được ngày càng rõ ràng hơn những tác động kinh tế của cuộc xung đột chỉ hai năm sau khi đại dịch Covid-19 tàn phá thương mại toàn cầu. Lạm phát tăng vọt cùng với chi phí năng lượng leo thang đang mở ra kịch bản ảm đạm về một mùa đông lạnh giá, tăm tối ở châu Âu.

Chỉ số giá tiêu dùng tại một số nền kinh tế lớn

Click biểu đồ để xem chi tiết

Nguồn: OECD.

Suy thoái hiện gần như chắc chắn diễn ra ở châu Âu khi giá khí đốt, mặt hàng tối quan trọng đối với các hộ gia đình và ngành công nghiệp, đã tăng hơn gấp ba lần tính từ tháng 6 tới nay, do lo ngại Nga sẽ cắt nguồn cung, dẫn đến một số nền kinh tế phải tính đến phương án phân bổ khí đốt theo định mức.

Những tác động của giá cả tăng vọt đã buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phải liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, hàng loạt chính phủ đang cân nhắc lại kế hoạch chi tiêu nhằm cố gắng bảo vệ các hộ gia đình.

Chiến sự Ukraine còn làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, qua đó "đổ thêm dầu vào lửa" khủng hoảng lương thực toàn cầu.

"Giá lương thực toàn cầu đang gần ở mức cao nhất mọi thời đại. Hậu quả là một số khu vực và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất có thể đối mặt với nạn đói, kéo theo bất ổn xã hội", David Ortega, nhà kinh tế học kiêm phó giáo sư Đại học bang Michigan, hồi tháng 6 lưu ý.

Trên một nông trang miền nam Ukraine, Serhiy Sokol kể rằng hàng xóm ông tháng trước cán phải mìn trong lúc lái máy kéo trên đồng, may mắn là không bị thương nghiêm trọng.

Nhưng nhiều nông dân Ukraine đã bỏ mạng khi nông trại bị không kích, kho trữ lương thực bị phá hủy. Hình ảnh những cánh đồng chìm trong khói lửa, các mảnh ruộng trù phú giờ đây lỗ chỗ hố bom không còn lạ lẫm. Người dân Ukraine đối mặt với hiểm nguy mỗi ngày, không khác gì đánh trận.

"Cứ thấy máy kéo trên đồng là họ sẽ bắn, để chúng tôi không thể thu hoạch ngũ cốc, không đủ ăn và không thể xuất khẩu", Yevhen Sytnychenk, lãnh đạo chính quyền quân sự ở Kryvyi Rih, thành phố lớn nhất miền trung Ukraine thuộc tỉnh Dnipropetrovsk, bày tỏ phẫn nộ trong một chuyến thị sát thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sokol cùng vài người làm công đã gom hàng chục vỏ đạn rocket trước khi bắt tay vào thu hoạch vụ mùa. Ông cảm thấy mình may mắn hơn người hàng xóm, khi không gặp sự cố nào trên đồng trong quá trình thu hoạch.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Việc đồng áng vừa xong chưa được bao lâu, một quả đạn pháo Nga đánh trúng nhà kho, thiêu rụi hàng chục tấn ngũ cốc, bao công sức hóa thành tro bụi.

Dù một thỏa thuận nhằm giải cứu hơn 20 triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt ở Ukraine đã được các bên liên quan thống nhất hồi tháng 7, theo giới chuyên gia, nó chưa thể lập tức hóa giải tình thế bế tắc, bởi mất an ninh lương thực còn do nhiều yếu tố gây ra.

"Nếu chúng ta không ổn định thị trường phân bón trong năm 2022, thế giới sẽ đơn giản là không có đủ lương thực vào năm 2023", Tổng thư ký LHQ Guterres lưu ý.

Tác động từ cuộc chiến đang len lỏi khắp mọi ngõ ngách trên toàn cầu, trong đó các nước ở châu Phi, khu vực có tỷ lệ đói nghèo cao nhất thế giới, hứng chịu nguy cơ lớn từ khủng hoảng năng lượng và lương thực.

Bên ngoài thủ đô Kampala của quốc gia Đông Phi Uganda, Rachel Gamisha cho biết cuộc xung đột ở đất nước Ukraine xa xôi đã làm tổn hại đến công việc kinh doanh hàng tạp hóa của cô.

Gamisha cảm nhận được tác động đó khi giá các mặt hàng thiết yếu như xăng tăng chóng mặt. Mỗi gallon xăng (3,785 lít) có giá 6,9 USD. Có những món hàng giá 2.000 shilling (khoảng 17,6 USD) trong tuần này có thể tăng lên 3.000 shilling (25 USD) vào tuần tới.

Chương trình Phát triển LHQ cho biết giá lương thực và năng lượng tăng đã khiến 71 triệu người trên toàn thế giới rơi vào cảnh đói nghèo chỉ trong ba tháng đầu tiên của cuộc xung đột, trong đó các nước ở vùng cận Sahara, châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo dự báo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ, có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể hứng chịu nạn đói trong năm nay.

Tỷ lệ đói nghèo toàn cầu.

Click biểu đồ để xem chi tiết

Nguồn: World Data Lab.

Ở Đông Nam Á, giá thịt lợn, rau và dầu tăng đã buộc Warunee Deejai, một người bán thức ăn trên đường phố thủ đô Bangkok, Thái Lan, phải tăng giá, cắt giảm nhân viên và làm việc nhiều giờ hơn.

"Tôi không biết mình có thể giữ giá ổn định cho bữa trưa trong bao lâu", cô nói. "Thoát khỏi cảnh bị phong tỏa vì Covid-19 nhưng lại phải đối mặt với điều này thực sự rất khó khăn với chúng tôi. Tệ hơn nữa là tôi không nhìn thấy kết thúc của nó".

Đà tăng giá năng lượng và lương thực, kết hợp với những căng thẳng trong chuỗi cung ứng sau đại dịch, đẩy tỷ lệ lạm phát trên toàn thế giới lên mức của những năm 1970.

Euro mất giá hơn 12% trong năm nay, nhiều nhất kể từ năm 1999, khi đồng tiền này bắt đầu được đưa vào sử dụng. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sẽ gây khó khăn rất lớn cho các nền kinh tế của khu vực đồng euro vốn phụ thuộc vào nó, như Đức hay Italy.

Tình trạng phụ thuộc của Đức và Italy vào năng lượng Nga khiến thị trường chứng khoán hai nước này rơi vào nhóm có diễn biến kém nhất thế giới. Những nước gần hơn với chiến sự, như Ba Lan và Hungary, cũng trải qua điều tương tự.

Về địa chính trị, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã làm thay đổi trật tự thế giới. Sau một phần tư thế kỷ, phương Tây giờ đây không còn tìm kiếm một con đường hòa hoãn với Moskva nữa, bình luận viên Joshua Berlinger của CNN đánh giá. Điều này được thể hiện rõ nhất ở loạt biện pháp trừng phạt mà Nga đang phải hứng chịu.

Mặt khác, cuộc xung đột còn tạo động lực để phương Tây tạo ra một mặt trận thống nhất chưa từng có để đối phó, song cũng tiềm ẩn những bất ổn.

Phần Lan và Thụy Điển đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từ bỏ chính sách trung lập trong thời gian dài của hai nước.

"Kết nạp thêm Phần Lan và Thụy Điển vào NATO sẽ thay đổi bản đồ an ninh châu Âu bằng cách bổ sung thêm năng lực quân sự cho liên minh", tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, Mỹ, nhận định.

"Xung đột Ukraine đã giúp đoàn kết NATO đến mức độ chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh", Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, chia sẻ với VnExpress.

Nga rõ ràng không thể đứng nhìn. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố việc mở rộng NATO thực sự "là một vấn đề". Ông cũng cảnh báo Nga sẽ có biện pháp phản ứng nếu NATO thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự ở Thụy Điển và Phần Lan.

Để đối phó với sức ép ngày càng lớn từ phương Tây, Nga liên tục có những động thái lôi kéo các đối tác như Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt xích lại gần hơn với Trung Quốc, tạo ra thay đổi lớn trong bức tranh địa chính trị toàn cầu.

Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6, ông chủ Điện Kremlin đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Trung Quốc trên trường quốc tế, khẳng định Moskva phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào vào các vấn đề của Bắc Kinh.

Trung Quốc trong khi đó không lên án và cũng không áp lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhưng tránh chỉ trích Moskva, đồng thời tăng cường nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga trong suốt những tháng qua.

Theo các quan chức và cố vấn chính sách đối ngoại Trung Quốc, trong những cuộc họp nội bộ năm qua, ông Tập đã nhấn mạnh Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích của Trung Quốc, chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sang liên kết với Moskva.

"Ông Tập cho rằng Trung Quốc đang trong một cuộc cạnh tranh dài hạn với Mỹ và các nước theo chủ nghĩa tự do phương Tây", Evan Medeiros, cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao trong chính quyền Barack Obama và hiện là giáo sư Đại học Georgetown ở Washington, Mỹ, nhận xét. "Ông coi trọng giá trị của Nga với Trung Quốc, vì cả hai nước đều xem Mỹ là mối đe dọa chính đối với sự ổn định trong nước và an ninh bên ngoài của họ".

Chuyên gia Schuster cho rằng sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc đã giúp Nga có một giải pháp thay thế cho thị trường và ngân hàng phương Tây. Trong khi đó, Ấn Độ cũng không ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung năng lượng và nguyên liệu thô của Nga. Những sự hỗ trợ này phần nào giúp Nga giảm tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của xung đột Ukraine không chỉ bó hẹp ở phương Tây, mà mở rộng sang cả châu Á. "Nó đã ảnh hưởng đến đánh giá của châu Á về đảm bảo an ninh của phương Tây. Khủng hoảng Ukraine kết hợp với những căng thẳng gần đây liên quan đến vấn đề Đài Loan đã khiến một số nước châu Á, điển hình là Nhật Bản, quyết định tăng chi tiêu quốc phòng", ông Schuster cho hay.

Nhìn chung, theo Bill Blain, chiến lược gia tại công ty tư vấn và quản lý đầu tư Shard Capital, trụ sở ở London, Anh, làn sóng bất ổn từ xung đột Ukraine đã gây chấn động toàn cầu, vượt tầm dự báo của các chính trị gia, chuyên gia kinh tế đến nhà phân tích chính trị.

"Lạm phát từ những bất ổn trong nông nghiệp, năng lượng và chuỗi cung ứng đang mất kiểm soát, và giống như phản ứng hạt nhân, chúng sẽ gây ra một loạt hệ quả lan truyền. Giống như Chernobyl, lò phản ứng đang báo động!", Blain viết trong một báo cáo hồi tháng 4.

Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Investing

Nguy cơ từ cuộc chiến kéo dài

6 tháng trôi qua, chiến sự Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, thay vào đó là cuộc chiến tiêu hao giằng co giữa hai bên.

Giới quan sát nhận định xung đột ở Ukraine giờ chia thành hai mặt trận. Một ở Donbass, nơi phần lớn do Nga kiểm soát, lực lượng Ukraine đang tìm cách làm chậm bước tiến của đối thủ. Hai là ở miền nam, nơi lực lượng Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn để giành lại lãnh thổ từ tay Nga.

"Tôi nghĩ Ukraine sẽ giành lại được nhiều khu vực, ít nhất ở mặt trận miền nam, nhờ hiệu quả của pháo phản lực HIMARS. Nếu có thể tìm cách phá hủy cầu nối với bán đảo Crimea, họ cũng có thể tiến quân tới bán đảo này. Sau đó, họ có thể tính tới phương án giành lại toàn bộ bờ biển phía nam, ít nhất là đến Mariupol", Matti Muukkonen, giáo sư luật tại Đại học Đông Phần Lan, nhận định về tương lai xung đột Ukraine.

Giáo sư Muukkonen thậm chí còn nghĩ tới kịch bản Nga phải dừng chiến dịch vì không thể kiểm soát được Ukraine, trong khi Moskva rơi vào tình cảnh "bị cô lập trong nhiều năm và nền kinh tế bị sụp đổ vì các lệnh trừng phạt".

Chuyên gia Carl Schuster tỏ ra thận trọng hơn về tương lai xung đột, khi cho rằng cuộc chiến có thể tiếp tục kéo dài, khi cả hai bên đều không chịu nhượng bộ.

"Tôi nghĩ Nga sẽ tiếp tục chiến lược tiêu hao với hy vọng bẻ gãy ý chí kháng cự của Ukraine. Còn Kiev sẽ sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu quan trọng nhằm bào mòn năng lực, cũng như làm suy yếu tinh thần của quân Nga", ông nói. "Cuộc chiến sẽ tiếp tục giằng co với tiến độ chậm chạp cho đến khi Nga hoặc Ukraine quyết định tìm kiếm giải pháp hòa bình".

Cuộc chiến kéo dài sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lớn với nền kinh tế thế giới, khi giá khí đốt, xăng dầu, ngũ cốc có thể tiếp tục tăng, ảnh hưởng nặng nề đến an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu, theo Guntram Wolff, giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức.

Thay đổi dự báo GDP năm 2022 trước và sau khi chiến sự nổ ra

Click biểu đồ để xem chi tiết

Nguồn: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ngân hàng Thế giới (WB)

"Hệ quả này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trên toàn cầu, không chỉ với các nước giàu có ở châu Âu, mà còn tác động nặng nề tới những nước nghèo hơn", Wolff nhận định. Khi đó, châu Âu có thể phải đối mặt với một làn sóng di cư mới từ các nước châu Phi và Trung Đông, những nơi phụ thuộc lớn vào nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine và Nga.

Dù vậy, cả ông Putin và Zelensky đều lạc quan về triển vọng chiến thắng của mình, khiến không ai muốn nhượng bộ để đi đến đàm phán, ngay cả khi cuộc chiến kéo dài thêm nhiều tháng hoặc nhiều năm, theo Alexander Hill, giáo sư lịch sử quân sự tại Đại học Calgary, Canada.

Trong 6 tháng qua, truyền thông quốc tế và các nhà quan sát đã tìm cách phân tích, đánh giá từ các góc độ khác nhau để dự đoán bên nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột, nhưng sự thật là sẽ không có bên thắng rõ ràng.

"Không có người chiến thắng trong xung đột, còn bên thua trong một trật tự thế giới quân sự hóa chính là dân thường, khí hậu, môi trường và sự phát triển công bằng ở rất nhiều quốc gia khắp toàn cầu", Anuradha Chenoy, giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ, nhận định. "Có một điều chắc chắn rằng sẽ có thêm hàng nghìn sinh mạng nữa sẽ bị cướp đoạt trong cuộc xung đột tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II".

Thế Đại - Hoàng Khánh - Thanh Hạ

Bài có sử dụng tư liệu của Aljazeera, Guardian, AP, Washington Post, Moscow Times