5 sự khác biệt giữa Mai vàng Yên Tử và Mai vàng miền Nam
Nhắc đến mai vàng, ai cũng tưởng rằng đó là loài cây đặc trưng của miền Nam. Tuy nhiên có một loài mai vàng đại diện cho miền Bắc, có nguồn gốc ở vùng núi Yên Tử.
Rất thú vị khi tìm hiểu điểm khác nhau giữa 2 giống Mai vàng Yên Tử và Mai vàng miền Nam, về một số đặc điểm sinh thái và thêm sự phong phú về nguồn gen của một loài hoa quý cho việc lai tạo nhân giống hoa phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng miền của các nhà khoa học.
1.
Hai loài Mai và sự phân bố
Mai vàng Yên Tử được thấy nhiều dọc theo vành
đai dãy núi Đông Triều – Móng Cái, Quảng Ninh. Truyền thuyết cho rằng giống mai
này là con cháu của gốc Mai Vàng do vua Trần Nhân Tông trồng trên núi Yên Tử
khi nhà vua về tu thiền (từ năm 1285 đến 1288).
Mai vàng miền Nam phân bố tại những khu rừng
thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng cho tới Khánh Hòa (phía
nam miền Trung), tại các vùng Nam bộ cây Mai vàng được đặc biệt yêu thích xưa
nay nên đã được nhân dân sưu tầm nhân giống tạo nên sự đa dạng, phong phú để có
được các giống hoa Mai vàng quý như hiện nay.
2.
Về dáng vẻ và thân cây Mai vàng miền Nam và Mai vàng Yên Tử
Mai vàng miền Nam có thân cứng, nhiều u to,
xù xì, thân màu nâu khác với mai vàng Yên Tử có thân màu xám, nhẵn hơn. Mai
vàng Yên Tử sống lâu năm, sinh trưởng mạnh, lại ít sâu bệnh. Tuổi thọ có thể
lên tới hàng trăm năm.
3. Lá cây của hai loài cũng khá khác nhau
Vì cùng thuộc họ Mai (Ochnaceae) nên hình
thái lá tương đối giống nhau. Lá hình bầu dục, mép có răng cưa, gân mờ. Lá thường
mọc ở đầu cành và ra cùng thời điểm với hoa. Khác biệt ở chỗ mai vàng Yên Tử lá
non có màu xanh nhạt còn mai vàng miền Nam lá non có màu hồng hoặc nâu đỏ.
Người ta thường gọi là đọt xanh và đọt nâu để
dễ phân biệt, trong đó các giống mai đọt xanh (mai vàng Yên Tử, mai ngự Huế) có
giá trị cao hơn.
4.
Về kiểu Hoa
Mai vàng Yên Tử thường có hoa 5 cánh màu vàng
chanh tươi, viền mỗi cánh lượn sóng và xếp thưa nhau. Đài hoa có màu xanh cốm đỡ
lấy phần cánh hoa, nhị hoa cũng có màu vàng chanh đồng màu với những cánh hoa.
Sai hoa nhưng không quá dày, nở hoa tự nhiên sau Tết Nguyên Đán, thông thường từ
giữa tháng Giêng đến tháng 3 Âm Lịch, vào dịp lễ hội Yên Tử hàng năm.
Mai vàng miền Nam do có nhiều giống và được
lai tạo lẫn với nhau (mai giảo) nên số cánh vì thế mà từ 5, 9, 12, 18 đến một số
giống đột biến tới 80 hay 120 cánh, kích thước cũng to nhỏ khác nhau. Cũng cần
một số biện pháp ức chế và nảy lá nên hoa được nở trưng vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm.
5.
Sắc và hương giữa 2 loài
Mai vàng Yên Tử sống trong điều kiện khắc
nghiệt ở miền Bắc, khí hậu lạnh nên sắc hoa có màu vàng chanh nhẹ nhàng, hương
thơm man mác thật hợp với chốn linh sơn như Yên Tử
Ở miền Nam có khí hậu nóng ẩm hơn, số giờ nắng
trong năm nhiều, sắc hoa có phần rực hơn, vàng tới vàng cam. Hương cũng nồng
hơn.
Nhìn chung, do khác nhau về địa lý dẫn tới có
những sự khác biệt giữa 2 loài mai. Mai vàng Yên Tử thì nhẹ nhàng, tinh tế, giống
mai có độ thuần chủng cao do ít lai tạo, đại biểu cho dòng thanh thiền, tu dưỡng
tâm hồn. Mai vàng miền Nam thì rực rỡ, mang lại không khí náo nhiệt cho ngày
xuân, nhiều giống và lai tạo nhiều, đại biểu cho may mắn, cát tường hạnh phúc
và thịnh vượng.
Cây Mai là dòng thực vật quý biểu trưng cho
mùa xuân nảy nở. Khắp Việt Nam có nhiều giống hoa mai, cây Mai đại diện thực vật
cao quý trong tứ mùa, hình ảnh của chúng đã nằm lòng trong văn hóa người Việt.
Ngày nay, thế giới mở hòa trộn tràn ngập biết bao giá trị, lĩnh vực cây hoa cảnh
cũng vậy, nên chăng những người yêu quê hương, quý trọng truyền thống văn hóa
thì việc mượn cây quý, cành hoa đẹp mọi miền để nuôi trồng thưởng thức cũng là
một cách để nâng cao nhận thức góp phần dung dưỡng bản sắc Việt.
Có
thể bạn cũng muốn xem:
Tản mạn về giống hoa mai vàng ngày Tết - Mừng xuân Canh Tý 2020
Hoa Mai Tết Bình Định
Tags: Mai vàng Yên Tử, nguồn gốc mai vàng Yên Tử,
Thuyết minh về cây mai vàng Yên Tử, Trồng và chăm sóc mai vàng Yên Tử