Chơi mai thế đạt đến cảnh giới nghệ thuật là khi người thưởng mai nhìn thấy bóng dáng cuộc đời thật của mình trong dáng thế cây mai, thấy được nhân tình, thế thái của kiếp người thông qua cách tạo dáng thân cành, qua hình hoa, thế lá. Chơi mai giống như đi tìm tri kỷ, phải có cơ duyên thì mới gặp.
Mai vàng được xếp ở vị trí đầu tiên trong bộ Tứ Qúy |
Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, cây mai là hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng của người quân tử với khí phách ngoan cường, trung nghĩa và thanh khiết. Mai hiên ngang, bản lĩnh vượt qua mùa đông lạnh lẽo mặc dù chỉ còn những nhánh thân gầy guộc, tưởng như đã héo khô trong nắng chang của mỗi độ hè về. Bỗng nhiên, một sớm mai thức dậy, chỉ qua một đêm thôi, từ tấm thân già nua ấy lại nảy lộc, đơm hoa, khoe sắc, kiêu hãnh, toả hương. Chính vì vậy, mai vàng được nhân gian gọi là hoa của mùa xuân và được xếp ở vị trí đầu tiên trong bộ “Tứ quý” sánh vai cùng với Lan, Cúc và Trúc.
Mai tự nhiên, ẩn chứa trong thân cây, cành lá, đặc biệt là hoa mai vàng tự nhiên những nét hoang sơ, huyền bí của tạo hoá. Thông thường, gốc và thân mai tự nhiên rất chắc chắn, rễ cắm sâu vào lòng đất, thân ít cành và vươn cao, lá dày, đậm, hoa vàng nhạt, mỏng và ít cách. Người sành chơi mai tự nhiên rất nâng niu và yêu thích sự mạnh mẽ, kiên cường của mai tự nhiên. Sự sần sùi của thân mai là biểu tượng sắt đá của quá trình đấu tranh, sinh tồn, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt để mang lại hương sắc cho đời.
Hoa tuy không vàng thắm, cánh hoa không dày, nhưng hoa mai
tự nhiên mang dáng vẻ kiêu hãnh và hoang sơ như những nàng sơn nữ. Chơi mai tự
nhiên chủ yếu là thưởng thức cái cốt cách, tinh thần ấy. Ngày nay, nhiều người
đã đưa mai tự nhiên về trồng trong vườn nhà, tuy vẫn giữ được một chút ít tinh
thần hoang dã, nhưng kỳ thực nó không còn cốt cách ban sơ. Thậm chí có người
còn đưa cả cây mai tự nhiên to lớn vào chậu kiểng, thì “Than ôi, thời
oanh liệt nay còn đâu”. Từ đây, cây mai tự nhiên đã bị khoác lên mình chiếc
áo mới.
Mai thế, không biết
xuất phát từ bao giờ, nhưng có thể khẳng định mai thế là sản phẩm tạo ra để đáp
ứng nhu cầu của tầng lớp thị dân và những người giàu có. Giữa phố phường đông
đúc và chật hẹp, đất đai nhiều khi còn quý hơn vàng thì không dễ gì có chỗ đứng
cho một cây mai tự nhiên.
Vả lại, người dân
thành thị cũng không có quá nhiều thời gian để chăm sóc, nâng niu, chờ đợt cây
mai trong một thời gian dài để đến mùa xuân cây mới cho hoa. Nhưng ai cũng muốn
có một cây mai vàng thật đẹp, phù hợp với không gian đô thị để chơi trong dịp
Tết đến, xuân về. Có cầu ắt sẽ có cung, từ đó mai kiểng, mái thế bắt đầu xuất
hiện. Nhưng càng về sau, vượt lên cao hơn giới hạn của sự mua bán, kim tiền,
thú chơi mai thế ngày nay trở thành một nghệ thuật, một thứ nghệ thuật vừa mang
hơi thở dân gian, vừa mang trí tuệ bác học.
Chơi mai thế đạt đến
cảnh giới nghệ thuật là khi người thưởng mai nhìn thấy bóng dáng cuộc đời thật
của mình trong dáng thế cây mai, thấy được nhân tình, thế thái của kiếp người
thông qua cách tạo dáng thân cành, qua hình hoa, thế lá. Chơi mai giống như đi
tìm tri kỷ, phải có cơ duyên thì mới gặp. Hiện nay, mai thế rất đa dạng và
phong phú người chơi có nhiều cơ hội để tìm và chọn cho mình môt cây vừa ý
nhất, phù hợp với túi tiền để chưng trong dịp Tết.
Có lẽ xuất hiện sau
mai thế là mai ghép. Mai ghép là một thủ thuật của kinh nghiệm, là một ứng dụng
khoa học kỹ thuật trong thú chơi mai cảnh. Người ta có thể ghép nhiều loại mai
vào một gốc mai chủ để có thể cho ra các loại hoa mà mình thích. Điểm nỗi trội
của mai ghép là độc và lạ. Nếu chỉ dừng lại ở việc ghép mai thì chỉ là thủ
thuật, nhưng kết hợp giữa mai thế và mai ghép có thể nói là đỉnh cao của nghệ
thuật chơi mai cảnh.
Những ngày cuối tháng
Chạp (Âm lịch), trong không khí rộn ràng của ngày xuân, nhà nhà, người người
vui đón Tết, ai cũng lo trang trí nhà cửa thật đẹp để đón năm mới với mong ước
một năm tốt lành. Việc mua sắm ngày Tết tuỳ vào điều kiện sống và quan niệm của
mỗi gia đình, nhưng thú vui chưng hoa vào ngày Tết thì hầu như nhà nào cũng có.
Nếu như ở phía Bắc hầu như nhà nào cũng có cành đào, thì từ miền Trung trở vào,
mai vàng là đặc trưng của mùa xuân. Chính vì vật, lựa chọn một cành mai, một
gốc mai vừa ý để chơi trong ngày Tết là một việc tưởng chừng đơn giản, nhưng kỳ
thực, việc chọn mai cũng lắm công phu!
Nếu chơi mai tự nhiên,
người ta thường chọn những cành mai đẹp để chưng trong phòng khách nhà mình.
Một cành mai đẹp phải hội đủ 03 yếu tố cơ bản: Thân, cành phải cân xứng, hài
hoà; dáng (thế tự nhiên) phải đẹp mắt, toát lên một ý nghĩa biểu trưng nào đó
về tư tưởng, nhân sinh…; nụ và hoa không cần quá nhiều nhưng phải sung sức, có
như vậy hoa mới bung nở rộ đúng vào thời khắc giao thừa.
Nếu chọn cành mai có
quá nhiều nhánh nhỏ, lại có nhiều nụ, lắm hoa thì cành mai nhất định không thể
có sức sống để nuôi hoa, vì nguồn cung cấp dinh dưỡng đã bị hạn chế đi. Chơi
mai cốt yếu phải có thế, nếu như hoa mai được ví như bộ xiêm y lộng lẫy của mỹ
nữ thì dáng thế là biểu tượng, cốt cách bên trong của người quân tử. Còn gì
bằng nếu chọn được một nhành mai tự nhiên chơi trong mấy ngày Tết hội đủ các
yếu tố nêu trên. Quả là một điều may mắn!
Nếu chơi mai thế, mai
kiểng thì việc chọn lựa tương đối đơn giản vì đã qua bàn tay nhào nặn của những
người thợ làm vườn. Tuy nhiên, một chậu mai kiểng đẹp cũng có những tiêu chuẩn
của nó.
Trước hết, nói về cây
(bao thân, gốc và rễ) phải hội đủ ba yếu tố: Cổ, Kỳ, Mỹ. Một cây mai đẹp phải
mang trong mình bóng dáng của một bậc chân quân tử, phải trải qua phong ba, bão
táp, vươn mình đứng lên trước sóng gió cuộc đời. Cổ, chẳng những phải cây mai
phải lâu năm mà còn phải in vết hằng của thời gian, năm tháng, gió sương trên
thân cây, cội rễ.
Kỳ không đơn giản là
cầu kỳ, kỳ công chăm sóc, uốn tỉa, mà phải là thần kỳ, kỳ lạ, độc đáo đến bất
ngờ, thú vị. Có hai yếu tố cơ bản tạo nên kỳ của một cây mai. Kỳ do tự nhiên mà
có hoặc do thiên nhiên gây ra như bì nước cuốn, gió đưa, những khối u (nu) vết
sẹo của thời gian… mà người nghệ nhân bằng con mắt thẩm mỹ của mình họ phát
hiện, khai thác và vận dụng.
Kỳ do bàn tay, khối óc
và sự sáng tạo của nghệ nhân bằng cách cắt, tỉa, uốn… để tạo nên hình dáng kỳ
thú, độc đáo cho thân, cành, gốc, rễ. Mỹ là vẻ đẹp, sự bắt mắt của toàn thân
cây mai. Đẹp trước hết phải hài hoà, cân xứng các bộ phận từ cội rễ đến đầu
cành, tạo cho người xem nhiều cảm xúc, nảy sinh sự yêu thích và muốn sở hữu cây
mai đó cho riêng mình.
Thứ hai, nói về hoa:
Có nhiều người quan niệm cây mai đẹp phải cho nhiều hoa, hoa màu phải vàng đậm,
cánh hoa phải nhiều và dày. Nhưng kỳ thực không hoàn toàn như vậy. Hoa nhiều,
hoa ít không quan trọng, điều quan trọng hơn cả là sự hài hoà giữ hoa với cành,
hoa và lộc.
Chẳng có ai khen một
thiếu nữ đẹp khi cô ta cùng một lúc đội trên đầu, đeo trên cổ bao nhiêu là trang
sức, khoác lên mình bao nhiêu lụa là, gấm vóc, tương tự như vậy, một cây mai
không thể là đẹp nếu chỉ thấy toàn là hoa và hoa. Hoa nhiều cánh hay ít cánh,
cánh hoa dày hay mỏng chưa nói lên điều gì. Hoa mai nhiều cánh biểu hiện sự
tròn đầy, viên mãn; hoa ít cánh thường mỏng manh cánh mỏng lại yểu điệu, lung
linh khi gió xuân mơn trớn. Hoa mai vàng đậm màu, sặc sỡ cho ta cảm giác ấm áp
của của mùa xuân sum họp; hoa vàng nhạt mang trong mình sự hoài niệm, yêu
thương. Tóm lại, hoa mai đẹp là hoa mà người ta ưa nhìn, nhìn hoài mà không
biết chán, càng nhìn thì lại càng thích thú.
Theo quan niệm dân
gian của người Việt, ngày xuân, ai cũng cầu mong mọi việc may mắn, thuận lợi.
Còn gì vui hơn nếu trong nhà đúng vào thời khắc giao thừa mai vàng bừng nở, đón
tài lộc vào nhà. Còn gì thú vị bằng vào những ngày đầu năm, khách đến thăm nhà,
chúc Tết liên tục tấm tắc khen ngợi gia chủ khéo chọn một cành mai tuyệt
đẹp .
- “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”: Rốt cuộc thiền sư Mãn Giác đã thấy gì trước sân nhà gần nghìn năm trước?
- Thuở xa xưa Cổ nhân đã chia Bonsai thành 5 thế cơ bản
- Một năm thăng trầm COVID-19, Hoa Tết năm nay có gì mới, giá ra sao?
Hoa
Mai Tết Bình Định